Báo chí được dự 5 phút họp TVQH: "Không nên thực hiện bước lùi của công khai"
Nhiều nội dung không cần thiết từ chối báo chí
Trao đổi với phóng viên Infonet về quy định này, ĐBQH khóa XI, XII- GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Quốc hội là cơ quan đại biểu của dân, đại biểu Quốc hội là những người do hơn 90 triệu dân trên khắp cả nước bầu ra, do đó Quốc hội khác với các cơ quan Nhà nước khác, phải có tính mở hơn.
ĐBQH khóa XI, XII- GS. Nguyễn Minh Thuyết |
“Quốc hội nhiều nước trên thế giới mở cửa suốt ngày, ai muốn vào nghe cũng được. Tất nhiên họ phải đăng ký trước và chấp hành những quy định (như ăn mặc, tác phong…) được đặt ra. Bản chất của Quốc hội là cơ quan dân cử nên phải mở và các nước họ cũng thực hiện như vậy”- GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Thường vụ Quốc hội là cơ quan lãnh đạo của Quốc hội, cũng có những nội dung họp kín thì đương nhiên không thể mở cho báo chí. Điều này cũng được thực hiện tương tự đối với Quốc hội. Nhưng Thường vụ Quốc hội họp về những nội dung khác thì phải cho phóng viên vào tham dự và đưa tin.
“Trước năm 1994, sau mỗi kỳ họp Thường vụ chỉ có những thông cáo báo chí nhạt nhẽo, khô khan. Cả nước đăng theo một tin, đại biểu hoạt động cũng nhạt nhẽo kém hẳn… Từ năm 1994, lần đầu tiên có phát thanh, truyền hình trực tiếp về phiên họp Quốc hội thì khác hẳn. Không khí sôi nổi ở nghị trường được người dân quan tâm, theo dõi, bàn bạc. Người dân cũng biết được đại biểu họ bầu ra hoạt động như thế nào, làm gì. Điều này càng thể hiện rõ khi ban đầu chỉ dừng ở truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, nhưng sau đó thì truyền hình trực tiếp cả những phiên thảo luận tại hội trường về KT- XH… Người dân rất quan tâm, đón nhận và họ có quyền được biết về những nội dung này”- GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Do đó, một lần nữa GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, đối với các nội dung thuộc bí mật nhà nước, các vấn đề quan trọng về quốc phòng, an ninh, nội dung đặc biệt nhạy cảm, Ủy ban TVQH có thể họp riêng, báo chí không tham dự nhưng với đa số nội dung về kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh... thì không cần thiết từ chối báo chí.
“Không nên thực hiện bước lùi của dân chủ, bởi Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đưa dân chủ lên trước công bằng – văn minh. Dân chủ chỉ có lợi hơn, giúp người dân kiểm tra đại biểu làm việc như thế nào. Vậy tại sao lại làm như thế? Tôi cho rằng không phù hợp với xu hướng dân chủ hiện nay”- GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
"UB TVQH tự bớt đi cơ hội để dân hiểu công việc đang làm"
Trong khi đó, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Trần Đăng Tuấn – người đã đưa ra đề xuất lập kênh Truyền hình Quốc hội trong hệ thống kênh của VTV, cũng “thấy tiếc” vì quyết định này.
Theo ông Trần Đăng Tuấn, khi đề xuất lập kênh Truyền hình Quốc hội với mục đích đủ thời lượng tường thuật hàng ngày mọi hoạt động lớn nhỏ không chỉ của toàn Quốc hội, mà của từng Uỷ ban, để người dân chứng kiến, để khuôn mặt Quốc hội và từng nghị sỹ thật rõ ràng, cụ thể, chứ không là khái niệm trừu tượng trong mắt người dân.
“Với quyết định không cho báo chí theo dõi và phản ánh tường tận các buổi họp của mình, UB Thường vụ Quốc hội tự bớt đi cơ hội để dân hiểu công việc mình đang làm, cảm nhận hơi thở của nghị trường, những nỗ lực đang diễn ra trong phòng họp để thúc đẩy quốc kế dân sinh. Để đồng thuận, người ta cần biết cơ quan lãnh đạo Quốc hội đang nghĩ gì, làm gì, đang cố gắng thế nào, và các vấn đề phải giải quyết khó đến đâu.
Nếu là vấn đề bí mật quốc phòng, an ninh - thì buổi họp kín là hiểu được. Còn nếu là các vấn đề mà hàng ngày người dân đang cảm nhận từ thực tế, thì không nên kín. Nếu các bộ trưởng "lỡ " lộ thông tin mật này nọ, thì là vấn đề kỹ năng, cũng cần cọ xát để không "lỡ lời" nữa. Mặt khác "mật" chỉ là mật, khi nó ít, rất ít thôi. Nhiều cái mật quá thì thành xa cách, có khi xa lạ nhau mất”- ông Trần Đăng Tuấn nêu.
Với quy định cho báo chí tham dự 5 phút khai mạc "để ghi hình", ông Tuấn đặt câu hỏi: Giải quyết được gì trong khi dân có lạ khuôn mặt các lãnh đạo Quốc hội đâu? “Nhưng e là với hạn chế như vậy, chân dung thể chất thì quen, nhưng chân dung tinh thần thì lại không rõ.
Còn chuyện nhỏ hơn là: Khi một kênh truyền hình riêng cho Quốc hội đã có, ngày nào cũng phát sóng từ sáng đến khuya, mà Quốc hội mỗi năm họp có hai kỳ, lãnh đạo Quốc hội họp thường xuyên hơn lại chỉ có 5 phút ghi hình đầu buổi. Các Uỷ ban thì dân không nghe không nhìn thấy trực tiếp họ làm gì”- ông Trần Đăng Tuấn nhận định.
Ông Tuấn cũng viện dẫn “đá bóng người ta nhất định muốn xem trực tiếp, chứ không phải thích nghe "bình luận sau trận đấu" hay các trích đoạn bàn thắng thôi. Ít các buổi tường thuật thi đấu trực tiếp, một kênh thể thao sẽ còn lại gì? So sánh là khập khiễng. Bởi bàn về miếng cơm manh áo còn khiến người dân quan tâm xem trực tiếp gấp nhiều lần. Tôi thấy tiếc!”.
* Sáng 11/7, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Trung tâm báo chí Nhà Quốc hội đã bất ngờ nhận được thông báo từ cán bộ Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội: Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội có chỉ đạo bắt đầu từ hôm nay, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu của mỗi buổi họp. Cuối mỗi ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên.
Giải thích về quyết định này, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng việc báo chí không tham dự phiên họp là để các đại biểu trao đổi, phát biểu cho thoải mái. Nhiều khi có anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết ý. Có những vấn đề bí mật nhà nước mà vô tình nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải. Vì vậy, quyết định này nhằm giúp các đại biểu thảo luận sâu, nói hết ý, kể cả vấn đề bí mật.