Báo Ba Lan: Việt Nam - Chủ nghĩa xã hội với gương mặt mới
Bài viết có tiêu đề "Việt Nam - Chủ nghĩa xã hội với gương mặt mới" của nhà báo, nhà nghiên cứu châu Á - Rafal Tomanski đã nhận xét, sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, thể chế chính trị được giữ vững, xã hội ổn định. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 100 USD ngay sau chiến tranh lên đến 2000 USD người/năm như hiện nay, chính phủ Việt Nam thực hiện thành công chương trình xoá đói giảm nghèo và được thế giới đánh giá cao về vấn đề này.
Với 2/3 dân số sinh ra từ sau ngày thống nhất đất nước (1975), hiện người dân Việt Nam đã quên đi các cuộc chiến tranh và tập trung chủ yếu cho việc phát triển kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập và trong đó có nhiều doanh nhân thành đạt không thua gì so với ở các nước phương Tây.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, mỗi năm có khoảng 200.000 người dân từ các tỉnh khác trong cả nước đến đây làm việc, hiện thành phố này có 8 triệu người dân đăng ký thường trú, tuy nhiên ước tính số lượng người dân ở đây cao hơn nhiều so với con số thống kê trên, vào khoảng 12 triệu người. Tác giả bài viết mô tả, trong thành phố có thể nhìn thấy các kiến trúc đa dạng, các toà nhà cổ kính kiểu Pháp, các toà nhà hiện đại, khắp nơi đều xuất hiện các công trình đang thi công...
Tác giả bài viết còn có cảm tình đặc biệt với thành phố Đà Nẵng, về cầu Rồng, sông Hàn và đặc biệt là cuộc sống của người dân tại đây. Thành phố mà 40 năm trước còn là căn cứ quân sự và không quân quy mô của Mỹ, giờ đây đã trở thành thành phố hoà bình, văn minh, hiện đại, những nụ cười rạng rỡ, yêu đời, hạnh phúc luôn được tìm thấy trên khuôn mặt của người dân Đà Nẵng.
Theo bài bình luận, Việt Nam đạt được những thành tựu như ngày hôm nay là do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã kịp thời có những điều chỉnh chiến lược phù hợp với diễn biến, tình hình khu vực và thế giới, bắt kịp xu thế của thời đại. Chính những thay đổi này đã tạo nên diện mạo mới của Chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.
Ngoài những thành tựu về kinh tế, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Việt Nam đã và đang đóng góp rất lớn, đưa ra các kế hoạch chi tiết nhằm xây dựng một khối Asean chung, đoàn kết, thịnh vượng. Với việc ký kết tham gia TPP, Việt Nam mong muốn sẽ tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế trong nước và khu vực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, Việt Nam tiêp tục phát triển theo định hướng nền kinh tế thị trường, tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.
Liên quan đến hành động Trung quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, bài bình luận cho biết, từ đảo Lý Sơn của Việt Nam có thể "nhìn thấy rõ" quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Từ tháng 05 đến tháng 07/2014, tại đây còn nhìn thấy rõ giàn khoan HD981 của Trung Quốc - từ một cuộc viếng thăm không báo trước, Trung Quốc đã cho hạ đặt trái phép giàn khoan này, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh quốc gia Việt Nam.
Việt Nam đã cùng các nước Philippines, Malaysia, Indonesia phản đối các hành động của Trung Quốc, tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh đac bất chấp luật pháp quốc tế, tiếp tục có các hành động gây phức tạp tình hình như bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng đường băng trái phép trên các đảo này.
Việc ở cạnh một nước láng giềng to lớn nhưng tham vọng như Trung Quốc là một khó khăn rất lớn đối với Việt Nam, tuy nhiên dân dộc Việt Nam trong lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng họ "biết cách chiến thắng" trước các thế lực ngoại xâm, và lần này cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Các nước từng là cựu thù như Pháp, Mỹ giờ đây lại chính là những "người bạn" quan trọng giúp Việt Nam đấu tranh lại với các hành động xâm lược của Trung Quốc.
Trung tâm quan hệ quốc tế (CSM) Ba Lan được thành lập năm 1996, với chức năng nghiên cứu các thể chế chính trị quốc tế, định hướng quan hệ đối ngoại cho chính phủ Ba Lan. Giám đốc trung tâm hiện nay là bà Malgorzata Bonikowska.