Bài 3: Bài toán hồ thủy lợi Ia Mơr "khát" vùng tưới vẫn chờ... lời giải!
Hồ Ia Mơr đã tích nước nhưng chưa có cánh đồng tưới |
Hiện tại, 12.000 ha đất được quy hoạch làm vùng tưới cho thủy lợi Ia Mơr hầu hết là đất rừng. Trong đó, có 4.000 ha tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) và khoảng 8.000 ha tại huyện Chư Prông (Gia Lai). Tuy nhiên, để chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp trong những năm gần đây là điều không hề đơn giản.
Ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, hiện các đơn vị liên quan như Sở TN&MT, UBND huyện đang rà soát, khảo sát lại hiện trạng 4.000 ha đất (thuộc địa bàn các xã Ia Lốp và Ia R’vê, huyện Ea Súp) nằm trong quy hoạch vùng tưới của thủy lợi Ia Mơr.
Cũng theo ông Toản, trong số diện tích 4.000 ha đất này, có một phần do UBND huyện Ea Súp quản lý, một phần do Đoàn kinh tế quốc phòng 737 quản lý. Do đó, các đơn vị đang rà soát xem diện tích nào đã chuyển đổi, diện tích nào còn là đất rừng để có hướng xử lý đúng quy định.
Ông Đỗ Hữu Thu, Phó Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Ban thủy lợi 8-Bộ NN&PTNT) trao đổi rằng, năm 2013, luật Lâm Nghiệp có hiệu lực. Theo quy định tại luật này, nếu chuyển đổi 8.000 ha đất rừng tại xã Ia Mơr sang đất nông nghiệp, các đơn vị liên quan phải trồng lại một diện tích rừng tương tự.
Ông Thu cho biết thêm, việc chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp không thể thực hiện bởi thông báo số 191/TB-VPCP năm 2016 của Văn phòng Chính phủ và Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 2017.
Xã Ia Mơr nhìn từ xa |
Theo đó, Thông báo 191 truyền tải kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên: “Không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp. Không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Và Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 2017 nêu rõ: “Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định”.
Rõ ràng, với những quy định này, bài toán về việc chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, tạo đồng tưới cho thủy lợi Ia Mơr còn rất khó khăn, nan giải.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Ngày 16/9, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đã báo cáo về thực trạng công trình thủy lợi Ia Mơr chưa có đồng tưới.
Sau khi lắng nghe báo cáo từ UBND tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ông sẽ giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì, xem xét về việc xử lý vùng tưới cho thủy lợi Ia Mơr.
Đến ngày 21/9/2019, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại thủy lợi Ia Mơr nhằm tìm phương án tháo gỡ các vướng mắc trong việc chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất.
Hệ thống đê bao kiên cố tại hồ thủy lợi Ia Mơr |
Ngày 27/9/2019, Bộ NN&PTNT đã có Văn bản số 7169/TB-BNN-VP, thông báo nội dung làm việc về thủy lợi Ia Mơr. Nội dung của thông báo thể hiện, dự án thủy lợi Ia Mơr đã và đang thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình đề ra.
Việc chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất (các khu tưới) đã được xác định ngay từ khi phê duyệt dự án. Tuy nhiên, do trải qua thời gian dài, trong quá trình thực hiện đã có sự thay đổi về chủ trương, chính sách và định hướng nên hiện nay các Bộ, ngành liên quan vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi những diện tích này thành khu sản xuất theo quy hoạch ban đầu.
Có thể thấy, việc thủy lợi Ia Mơr chưa có đồng tưới đang được các Bộ, ngành và UBND các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ. Lãnh đạo Ban thủy lợi 8 cho rằng, tới cuối năm 2020, đơn vị sẽ thi công xong các hạng mục kênh chính (giai đoạn 2). Còn lại, việc xây dựng kênh nội đồng (kênh dẫn ra đồng tưới) sẽ nằm trong giai đoạn 3, tức là sau năm 2020 mới có thể thực hiện được.
Các đơn vị liên quan vẫn tập trung thi công, xây dựng hạng mục ở giai đoạn 2 tại thủy lợi Ia Mơr. |
Cần phải nói thêm rằng, nếu việc chuyển đổi không mang lại hiệu quả, hàng ngàn ha rừng sẽ phải “hy sinh” một cách vô tội vạ. Đồng thời, thủy lợi Ia Mơr và số tiền gần 3.000 tỷ đồng đầu tư vào đây cũng “đổ sông đổ bể”.
PV Infonet đề cập vấn đề này bởi lẽ, từ năm 2008-2010, lực lượng chức năng đã chuyển đổi hơn 9.400 ha rừng nghèo tại xã Ia Mơr cho 4 doanh nghiệp tiến hành trồng cao su. Thế nhưng, hiện chỉ có gần 3.000 ha cao su phát triển được, hơn 6.000 ha còn lại đã chết hoặc kém phát triển.
Tính trên toàn tỉnh Gia Lai, hiện có khoảng 12.000 ha cao su (được chuyển đổi từ rừng nghèo) bị chết hoặc kém phát triển.
Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đánh giá, nguyên nhân chủ yếu khiến hàng ngàn ha cao su chết và sinh trưởng kém là do lập địa rừng khộp biến động mạnh, đất đai thổ nhưỡng không phù hợp. Đặc biệt, tầng đất canh tác chỉ có độ sâu khoảng 50cm, thành phần cơ giới là đất cát hoặc đá kết von, đất pha sét biến tính bí chặt nên cây không phát triển được rễ cọc, bị úng nước vào mùa mưa...
Tại xã Ia Mơr, có hơn 6.000 ha rừng được chuyển đổi để trồng cao su nhưng không mang lại hiệu quả. |
Như vậy, ngoài bài toán tìm đồng tưới cho thủy lợi Ia Mơr, các ngành chức năng cũng cần tìm ra bài toán chính xác, định hướng cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng trên diện tích rừng được chuyển đổi. Có như vậy, thủy lợi Ia Mơr mới phát huy được hiệu quả, diện tích rừng được chuyển đổi cũng mang lại kết quả tích cực và lực lượng chức năng cũng không giẫm lại vết xe đổ từ việc trồng cây cao su trên rừng nghèo.