Bài 2:Nghịch lý hồ thủy lợi Ia Mơr "khát" vùng tưới, hàng ngàn ha đất thiếu nước
Như Infonet đã thông tin trong bài: "Hồ thủy lợi Ia Mơr: Đầu tư “siêu khủng” 3.000 tỷ đồng không tìm được chỗ tưới", theo đó, hồ thủy lợi Ia Mơr được thiết kế với diện tích mặt nước khoảng 3.600 ha, công trình này sẽ cung cấp tưới cho khoảng 8.000 ha cây trồng tại địa phận huyện Chư Prông (Gia Lai) và 4.000 ha thuộc địa phận huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk). Thế nhưng, nghịch lý là hiện Ia Mơr lại chưa phát huy được tác dụng vì chưa có đồng tưới.
Hồ thủy lợi Ia Mơ được đầu tư gần 3000 tỷ đồng để cung cấp nước tưới cho khoảng 12.000 ha cây trồng |
Thực trạng vùng tưới
Hiện nay, thủy lợi Ia Mơr (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã bắt đầu tích nước. Ngoài ra, hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây cũng đang được thi công để dẫn nước về phục vụ các cánh đồng tưới.
Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, hiện trạng vùng tưới tại Đắk Lắk có tổng diện tích gần 6,6 nghìn ha thuộc địa phận các xã Ia Jlơi (gần 41ha) và xã Ia Lốp (hơn 6,5 nghìn ha).
Thổ nhưỡng trong vùng tưới của thủy lợi Ia Mơr có nhiều đất cát hoặc pha cát |
Trong diện tích gần 6,6 nghìn ha nói trên, có hơn 2 nghìn ha diện tích nằm trong quy hoạch lâm nghiệp (rừng tự nhiên hơn 900 ha, đất chưa có rừng hơn 1,1 nghìn ha). Còn lại, khoảng 4,4 nghìn ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp (rừng tự nhiên 93 ha, đất chưa có rừng hơn 4,3 nghìn ha). Đối với diện tích rừng tự nhiên nằm trong vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr, nếu muốn chuyển đổi mục đích phải được Chính phủ phê duyệt.
Vị lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, các đơn vị liên quan đã phối hợp và đánh giá chung về thổ nhưỡng trong vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr. Đặc điểm của vùng này là đất cát, cát pha, đất sỏi và đất sét. Tuy nhiên, hiện chưa đánh giá được tính chất lý hóa của đất (do chưa có kinh phí).
Đến nay, một số diện tích đất nông nghiệp nằm trong khu tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr tại huyện Ea Súp đã được trồng các loại cây như lúa, mía, mì, cây ăn quả… Hầu hết, các loại cây trồng nói trên đều phát triển bình thường khi có đủ nước tưới. Do đó, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng định hướng, phát triển các loại cây trồng như lúa nước, cây ăn quả, cây trồng hằng năm khác… tại vùng tưới của thủy lợi Ia Mơr.
Cũng theo ông Dũng, trên thực tế, hiện nay huyện Ea Súp đã có hồ chứa nước Ea Súp thượng với sức chứa khoảng 146 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho 9.455 ha cây trồng. Tuy nhiên, hồ Ea Súp thượng đã cung cấp nước tưới cho cây trồng trên địa bàn các xã Ea Bung, Ea Lê và thị trấn Ea Súp nên không đủ khả năng cấp nước tưới cho 4.000 ha nằm trong vùng tưới được quy hoạch cho thủy lợi Ia Mơr.
Ông Dũng cho biết: "Nếu tính toán chi tiết, chiều dài kênh dẫn nước từ thủy lợi Ia Mơr về vùng tưới tại xã Ia Lốp và Ia Jlơi sẽ gần hơn so với hồ Ea Súp thượng. Do đó, việc dẫn nước từ thủy lợi Ia Mơr về vùng tưới tại Ea Súp là hợp lý".
Đa phần rừng là các cây khộp nhỏ, còi cọc, giá trị thấp |
Cây trồng đang "khát" nước
Hiện tại, các xã Ia Jlơi, Ia Lốp đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, làm vùng tưới trên địa bàn. Theo ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Lốp, phía xã đang phối hợp với ngành chức năng, tiến hành công tác đo đạc, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trên địa bàn, phục vụ việc hình thành đồng tưới cho thủy lợi Ia Mơr. Nhìn chung, việc giải phóng mặt bằng đang diễn ra tương đối thuận lợi.
Vị lãnh đạo xã này cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã Ia Lốp có một số loại cây trồng như mía, lúa 1 vụ, cây ăn quả. Hằng năm, khi đến mùa khô, nắng hạn kéo dài thì các cây trồng bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển do thiếu nước. Do đó, nếu thủy lợi Ia Mơr đi vào hoạt động, cấp đủ nước tưới sẽ hứa hẹn một tương lai tươi sáng, thuận lợi cho bà con tại địa phương phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Diện tích được quy hoạch làm vùng tưới có nhiều vùng là những đám cây bụi nhỏ |
Theo quan sát của PV Infonet, hiện trạng rừng nằm trong vùng tưới của thủy lợi Ia Mơr có độ che phủ thấp, chủ yếu là rừng khộp và các cây bụi. Khu vực đất nông nghiệp có sẵn trong vùng tưới, bà con đã trồng nhiều loại cây như mía, mì, lúa...
Dưới đây là một số hình ảnh PV Infonet ghi nhận về thực trạng vùng tưới của thủy lợi Ia Mơr được quy hoạch tại Đắk Lắk:
Một số được trồng mía |
và cây bụi chiếm nhiều diện tích |
Giá trị rừng ở vùng tưới rất thấp |
Ngoài rừng khộp, rừng le cũng chiếm diện tích lớn |
Nếu chuyển đổi sang đất nông nghiệp, người dân phải cải tạo đất kĩ mới trồng trọt được |
Mùa khô, diện tích đất tại Ea súp thiếu nước trầm trọng |
Cây táo, cây xoài và một số loài cây ăn quả khác đang phát triển tốt, cho thu nhập cao tại Ea Súp |
Diện tích cây mì (cây sắn) được trồng trong vùng tưới |