Ba thanh niên bỏ 12 triệu đồng mua giấy đi đường: Xử lý người bán và mua thế nào?
Theo luật sư, việc 3 nam thanh niên bỏ 12 triệu đồng để mua giấy đi đường đã phản ánh thực trạng có sự lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý đối với các doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho người lao động.
Chiều 11/8, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đang mở rộng điều tra vụ phát hiện 3 thanh niên mua 9 giấy đi đường ở cửa hàng cầm đồ.
Bước đầu, Công an xác định danh tính 3 thanh niên này là T.Đ.L (SN 1993), Đ.V.B (SN 1987) và Đ.H.T (SN 1993), cùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ảnh minh họa. |
Tại cơ quan công an, 3 thanh niên này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa.
Trước đó, vào ngày 6/8, tại chốt phòng chống dịch Covid-19 ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình), lực lượng chức năng quận Thanh Xuân phát hiện 3 trường hợp sử dụng giấy đi đường để qua chốt kiểm soát Covid-19 có biểu hiện nghi vấn nên đã đưa 3 trường hợp này về trụ sở Công an phường Hạ Đình để xác minh, làm rõ.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Nguyễn Thị Hường (VPLS luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội) phân tích: "Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nhu cầu đi lại của người dân vẫn rất lớn, trong khi chỉ những doanh nghiệp thuộc ngành nghề thiết yếu mới được phép hoạt động và cấp giấy đi đường cho người lao động nên đã phát sinh những tiêu cực như nhờ xin cấp giấy đi đường cho những người không thuộc trường hợp ra đường, mua bán hoặc làm giả giấy đi đường...
Nếu không có sự quản lý chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cấp giấy đi đường đúng đối tượng thì công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ không đạt được hiệu quả tromg tình hình cấp bách hiện nay.
Thông báo số 577/TB-UBND của UBND TP Hà Nội quy định, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch, gửi đến UBND cấp phường/xã để được xác nhận (người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này).
Đây là quy định cần thiết. Trước khi doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho người lao động thì phải có trách nhiệm trình danh sách những người lao động của mình lên UBND xác nhận cùng với phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch.
Quy định này sẽ hạn chế được các tiêu cực phát sinh khi các doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho người lao động của đơn vị và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vụ việc 3 nam thanh niên bỏ 12 triệu đồng để mua giấy đi đường đã phản ánh thực trạng có sự lợi dụng sơ hở trong việc quản lýđối với các doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho người lao động.
Để có căn cứ xử lý, cần làm rõ nguồn gốc giấy đi đường có phải do doanh nghiệp cấp hay là giấy tờ giả.
Nếu xác định được người làm giả giấy đi đường để bán thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về ''Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức''; ''Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức'' theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp xác định được Giấy đi đường do Doanh nghiệp cấp nhưng không đúng đối tượng hoặc cấp khống thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống dịch và có thể bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Cùng với đó là mức phạt hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, theo quy định theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.
Còn các cá nhân mua giấy đi đường thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, hành vi đối với cá nhân có mức phạt tiền bằng 1/2 tổ chức vi phạm”.
Tiến Anh