Bà chủ “tập đoàn massage” Tân Hoàng Phát thoát án tù giam
Ngày 5/2, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa ra xét xử Nguyễn Minh Phương và Phan Thị Yến về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt giữ người trái pháp luật” trong vụ án “tập đoàn” massage kích dục Tân Hoàng Phát. Đây là hai bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Yến (phải) rời phòng xử sau phiên phúc thẩm. |
Tại phiên tòa, Yến thừa nhận hành vi của mình nhưng vẫn khẳng định chỉ là người thu tiền từ các cơ sở gửi lên mà không tham gia vào kế hoạch bắt giữ, hay thu tiền của các nhân viên massage. Bị cáo cũng xin HĐXX được hưởng án treo vì hiện tại đang nuôi ba con nhỏ, trong khi chồng (bị cáo Phan Cao Trí) và em trai đều đang lĩnh án tù.
Tương tự như Yến, bị cáo Phương cũng cho rằng mình chỉ là người làm theo lệnh của Trí. Hiện tại bị cáo cũng đã về làm ruộng để nuôi ba con nhỏ, do đó Phương xin HĐXX cho hưởng án treo để tiếp tục chăm sóc gia đình.
Sau khi xem xét kháng cáo và những tình tiết mới của hai bị cáo như nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạnh, bị cáo Yến bị trầm cảm (có xác nhận của bệnh viện), thực hiện hành vi khi đang mang thai, HĐXX đã giảm cho Yến từ 4 năm tù giam xuống cong 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Về phần bị cáo Phương, HĐXX xác định, dù chỉ là người làm công ăn lương nhưng bị cáo đã có vai trò đồng phạm giúp sức với Trí trong việc “xử lý” các nhân viên, và hành vi này đã xâm phạm đến quyền con người, gây mất trật tự trị an. Tuy vậy với các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo cung cấp, HĐXX quyết định giảm cho Phương từ 3 năm tù xuống còn 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Theo bản án sơ thẩm, vào năm 2005 Phan Cao Trí đứng ra thành lập Công ty TNHH Tân Hoàng Phát được thành lập với ngành nghề kinh doanh dịch vụ xông hơi, xoa bóp. Sau đó Trí cùng vợ là Phan Thị Yến mở thêm hai công ty TNHH khác cũng với ngành nghề kinh doanh tương tự là Kim Thu và Hoàng Thành.
Vào tháng 12/2008 Cảnh sát điều tra CA TP.HCM phối hợp với các đơn vị chức năng đã bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh của Tân Hoàng Phát và phát hiện 65 nhân viên massage đang bị giam giữ tại đây với những biểu hiện bị ngược đãi.
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm. |
Quá trình điều tra sau đó cho thấy Trí đã tuyển hàng chục nữ tiếp viên với mức lương 670.000 đồng/tháng. Tuy nhiên ngoài hợp đồng lao động những người này còn phải ký thêm hàng loạt các cam kết khác như: ăn ở tại công ty, 6 tháng mới được xin nghỉ phép, buộc phải nạo, phá thai…Khi các nhân viên này có biểu hiện chống đối hay bỏ trốn sẽ bị Phương cùng một số đối tượng khác bắt trở lại.
Vào tháng 1/2011 TAND đã mở phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt Trí 12 năm tù, Hậu (em Yến) 10 năm tù, Cường 9 năm tù về các tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Yến bị tuyên 6 năm tù, Phương 3 năm tù, Nhanh 2 năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Tuy nhiên tại phiên xử phúc thẩm tháng 12/2011 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên mức án thấp hơn rất nhiều so với án sơ thẩm trước đó. Cụ thể Trí còn 5 năm tù, Hậu còn 4 năm 6 tháng tù, Cường còn 4 năm tù, Yến còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Phương còn 1 năm 6 tháng tù, Nhanh còn 1 năm tù.
Không đồng ý với quyết định này, sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ 2 bản án của cả hai cấp toà, giao cơ quan công an điều tra lại. Trong khi đó Phan Cao Trí cũng có đơn kêu oan và cho rằng vợ chồng bị cáo Trí không có tội.
Trong phiên xử sơ thẩm lần hai vào ngày 5/9/2014, bị cáo Phan Cao Trí nhận mức án 12 năm tù, Phan Việt Hậu 10 năm tù, Phan Quốc Cường 9 năm tù cùng về hai tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”
Trong khi đó Phan Thị Yến nhận 4 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nguyễn Minh Phương 3 năm tù, Nguyễn Hoài Nhanh 1 năm tù cùng về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.