“Áp lực công việc dẫn đến vụ Nguyễn Thanh Chấn bị oan”
Đại biểu Dương Trung Quốc - Đoàn ĐBQH Đồng Nai (Ảnh: Xuân Hải) |
Trả lời báo giới về phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao diễn ra trong ngày 21/11, ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho hay, ông sẽ gộp nhiều vụ án oan sai xâu chuỗi lại với nhau để chất vấn những vấn đề liên quan đến công tác cải cách tư pháp.
Ông Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi rất tiếc vì trong báo cáo kỳ này của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao không nhắc đến những vụ án mà ai cũng biết cả, những vụ án gây bức xúc dư luận như vụ án ba thanh niên liên quan đến vụ hiếp dâm ở Hà Đông. Vụ án đó kéo dài mà không giải quyết được”.
Đánh giá về công tác xét xử qua những vụ án oan sai, ông Quốc cho rằng, công tác xét xử vi phạm pháp luật, quá trình tố tụng vi phạm đến quyền của người dân và điều này rõ ràng nó là hệ quả của nhiều vấn đề, liên quan đến quá trình điều tra, chất lượng xét xử, chất lượng cán bộ tham gia điều tra… Đương nhiên, cái đó không thể giải quyết ngay một lúc được nhưng phả đảm bảo đúng lúc. Ví dụ anh chưa điều tra được anh phải thả người ta về, đấy là chưa kể những áp lực ấy dẫn đến án oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn chẳng hạn. Tức là để hoàn thành sớm vụ án, thì anh ép cung người ta. Đó là vấn đề cần phải xem xét lại.
Thưa ông, có những vụ án mà có tới 8 lần hoãn xét xử như vụ án “siêu lừa” Thái Lương Trí (Hà Nội), vậy có bất thường không?
Như thế là nó vi phạm luật pháp. Thời gian giam giữ người ta quá dài, thứ hai là trình độ xét xử mà cứ bên này xét xử, bên kia bảo hủy án đi. Cái hiện tượng này cũng là một hệ thống tòa án thôi. Nhưng mà tòa sơ thẩm xong, tòa phúc thẩm lại đảo ngược lại 100% khiến người ta có quyền nghĩ rằng, phải chăng chính việc tạo ra cái rào cản ấy để nảy sinh những tiêu cực.
Tỷ lệ sửa án qua công tác giám sát của Quốc hội ông có thấy chuyển biến trong những vụ xét xử oan?
Tôi rất tiếc ngay cả trong báo cáo kỳ này của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cũng không nhắc đến những vụ án mà ai cũng biết cả, những vụ án gây bức xúc như vụ án 3 em vị thành niên liên quan đến vụ hiếp dâm ở Hà Đông, việc đó kéo dài mà không giải quyết được.
Tôi cũng biết rằng, hiện nay áp lực của hệ thống xét xử quá lớn, nhưng trong cái quá lớn ấy có những cái do anh tự tạo ra ở chỗ xét xử đi xử lại quá nhiều lần mà bản thân việc này là không đúng yêu cầu pháp luật.
Việc hủy án để điều tra lại từ đầu nhiều lần như thế, ngoài việc gây phiền hà, khổ cho người dân, chính bản thân nhà nước cũng bị thiệt hại vì trả lương cho những ông làm việc không hiệu quả. Và còn nhiều thiệt hại nữa, nhưng nguy hiểm nhất là tạo ra kẽ hở để tiêu cực khi anh thay đổi bản án mà không đủ cơ sở.
Trong chất vấn lần này, tôi đã chất vấn thì sẽ đi đến cùng sự việc nhưng đúng lúc, đúng cách.
Ai cũng nói đến cán cân công lý, nhưng cán cân công lý được trao vào những con người rất cụ thể. Nói tòa án là nói cái rất chung chung, cụ thể ai là chánh án, ai là thẩm phán, ai là luật sư… cuối cùng ta phải xem xét anh xét xử có đúng luật hay không, từ quá trình tố tụng đến vận dụng luật pháp có đúng không. Bên cạnh đó, đại biểu QH chỉ giám sát quá trình thực hiện thôi, còn sự phán xét là của cơ quan chức năng mà nó có đủ thẩm quyền và sự hiểu biết để đánh giá. Tôi cho rằng, đây chính là mục tiêu của cải cách tư pháp.
Theo ông làm thế nào để giảm được oan sai trong xét xử, thưa ông?
Sai sót là khó tránh, quan trọng là anh giải quyết sai sót đó như thế nào. Cho nên nó mới có luật bồi thường. Đôi khi cái luật bồi thường này tạo áp lực cho người ta giữ đại cục và hy sinh tiểu tiết nhưng tiểu tiết ấy lại là số phận con người. Vấn đề mâu thuẫn chỗ ấy. Tôi thấy nhiều vụ ai cũng khẳng định xử sai nhưng chúng ta chưa có luật để điều chỉnh việc làm sai. Rồi chúng ta cũng phải giải quyết nó một cách căn bản trên cơ sở nâng cao chất lượng xét xử.
Cán bộ thẩm phán xét xử oan sai nhưng bồi thường oan sai thì lại mang tiền nhà nước ra để gánh chịu?
Đôi khi chính vì cái đó mà người ta thà chấp nhận cái sai còn hơn để thất thoát ngân sách nhà nước. Đó là điều bất công cho người bị oan sai.
Xin cảm ơn ông!