An toàn cho hạ du trong mùa lũ cao hơn lợi ích kinh tế của thủy điện!
Theo đó, Quyết định 909/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn trong mùa lũ hàng năm (bao gồm các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2) có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (16/6/2014), thay thế Quyết định 1880/TTg (13/10/2010). Các quy trình vận hành hồ chứa đã ban hành trước ngày Quyết định 909/TTg có hiệu lực phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Quyết định này.
Hội nghị công bố Quyết định 909/TTg về ban hành Quy trình vận hànhliên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn trong mùa lũ hàng năm tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23/6 (Ảnh: HC) |
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) Hoàng Văn Bảy cho hay, Quy trình vận hành này gồm 3 chương, 22 điều quy định từ ngày 1/9 đến 15/12 hàng năm, các hồ A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm; góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.
Theo quy trình này, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chông thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam được giao thẩm quyền quyết định việc vận hành các hồ, bao gồm vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ, vận hành giảm lũ cho hạ du, vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ. Trong tình huống bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định việc vận hành các hồ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2.
Ông Hoàng Văn Bảy cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao sửa quy trình nêu trên, Bộ TN-MT đã tiến hành 11 bước công việc với sự tham gia của các bộ ngành, Văn phòng Chính phủ, các địa phương trên lưu vực và đại diện một số cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học… Ngày 7/1/2013, Bộ TN-MT đã gửi dự thảo đến 16 cơ quan, đơn vị để lấy ý kiến đóng góp.
Ngày 18/4/2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề liên quan đến dự thảo quy trình mà Bộ TN-MT trình Chính phủ ngày 24/3/2014, trong đó tập trung chủ yếu vào vấn đề giảm sản lượng điện và đề nghị giữ nguyên quy trình vận hành theo Quyết định 1880/TTg, không nên điều chỉnh. Sau khi Bộ TN-MT có văn bản giải trình việc xử lý các kiến nghị của ENV, ngày 16/6/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chính thức ký Quyết định 909/TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn trong mùa lũ.
Tại hội nghị ngày 23/6 công bố Quyết định 909/TTg, ông Ngô Viết Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty phát điện 1 (GENCO 1) thay mặt các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn khẳng định đã có quyết định của Thủ tướng thì các nhà máy thủy điện phải nghiêm túc chấp hành. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề gì cần bổ sung, hoàn thiện thì các nhà máy thủy điện sẽ đóng góp ý kiến cho công việc chung.
Ông Ngô Viết Hải, Tổng Giám đốc GENCO 1 trình bày những khó khăn, thiệt hại của các nhà máy thủy điện khi thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 909/TTg (Ảnh: HC) |
Tuy nhiên ông cũng cho rằng: “Trước đây, khi các doanh nghiệp lập báo cáo đầu tư, báo cáo tác động môi trường của các dự án thủy điện thì vấn đề vận hành liên hồ chứa không được đề cập một cách nghiêm túc, dẫn đến trong tính toán khả thi về hiệu quả đầu tư thì các số liệu về sản lượng điện, công suất, lượng nước… khác với khi thực hiện quy trình này. Từ đó sẽ có những ảnh hưởng và tác động nhất định về hiệu quả kinh tế của dự án!”.
Theo ông Ngô Viết Hải, khi thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn theo Quyết định 909/TTg sẽ làm giảm 975,1 triệu kWh/năm; giảm 212,7MW công suất đặt trong toàn bộ hệ thống điện của EVN hiện nay; giảm doanh thu (theo giá điện bình quân) của thị trường điện 645 tỉ đồng/mùa lũ…
Do vậy ông đề nghị Bộ TN-MT có ý kiến với Bộ Công thương quan tâm việc cho các nhà máy thủy điện vận hành vào mùa lũ (thông thường vào mùa lũ, các nhà máy thủy điện hầu như xả và đang chào bán trong thị trường điện với giá 0đ, và tính toán giá điện khi sản lượng điện bị giảm) để các nhà máy thủy điện có thể hoàn vốn và phát huy hiệu quả đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được xây dựng hết sức công phu với sự tham gia của các chuyên gia, các bộ ngành, địa phương và lấy ý kiến rộng rãi. Quy trình được ban hành quy trình rất kịp thời, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống, có tính khả thi cao và có thể được thực hiện tốt ngay trong mùa lũ năm nay.
Ông yêu cầu các nhà máy thủy điện thực hiện một cách đầy đủ các quy định trong quy trình, đảm bảo nguyên tắc không được để xảy ra “lũ chồng lên lũ”. Khi mực nước ở Ái Nghĩa, Câu Lâu đã ở trên mức báo động 2, dưới báo động 3 thì kiên quyết không xả nước nhiều hơn lượng nước đến. Đồng thời các nhà máy thủy điện phải luôn đảm bảo mực nước đón lũ trong mùa lũ, trừ trong thời kỳ tích nước. Nếu việc này không được thực hiện nghiêm túc, đến khi xảy ra sự cố sẽ rất mang tiếng.
Thứ trưởng Bộ TB-MT Nguyễn Thái Lai: "Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, đảm bảo an toàn trong mùa lũ cho vùng hạ du là yêu cầu tối cao!" (Ảnh: HC) |
“Chúng ta đều hiểu khi thiết kế các nhà máy thủy điện thì những vấn đề này chưa được đặt ra, nên hiệu quả đầu tư cũng như khả năng hoàn vốn của các nhà máy thủy điện rất khó khăn. Chúng tôi cũng hết sức băn khoăn và đã phản ảnh đầy đủ vấn đề này đến Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Chính phủ.
Thời gian tới Chính phủ sẽ có các giải pháp tiếp theo như chính sách về giá điện, việc vận hành trong mùa lũ, huy động giờ phát điện… Nhưng chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, đảm bảo an toàn trong mùa lũ cho vùng hạ du là yêu cầu tối cao, các nhà máy thủy điện phải góp phần thực hiện việc này mặc dù có bị thiệt hại về kinh tế” – Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ tổ chức dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác. Tiến hành rà soát, kiến nghị Bộ TN-MT, Chính phủ tăng cường năng lực, bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Bởi mọi tính toán trong việc vận hành sẽ không đạt hiệu quả mong muốn nếu không được cung cấp thông tin, số liệu kịp thời, chính xác.
Ông cũng yêu cầu Cục Quản lý Tài nguyên nước cùng các cơ quan ở TƯ và địa phương xây dựng các kịch bản điều hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (ngoài 3 nhà máy thủy điện nêu trên còn có nhà máy thủy điện Sông Bung 4 sắp đưa vào vận hành và các nhà máy thủy điện nhỏ khác). Đồng thời khẩn trương tập trung hoàn thiện dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn để tiến tới ban hành quy trình vận hành cả năm đối với các hồ chứa trên lưu vực sông này.
Trách nhiệm về an toàn các công trình:
Lệnh vận hành điều tiết lũ các hồ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 trái với các quy định trong Quy trình này, dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì người ra lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Việc thực hiện sai lệnh vận hành dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì Giám đốc đơn vị quản lý, vận hành hồ liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
(Trích Điều 19, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn trong mùa lũ hàng năm, được ban hành theo Quyết định 909/TTg ngày 16/6/2014)