"Ăn cắp" giờ hành chính: Cỗ bàn nháo nhào vì... nhà báo đến
10h sáng cả trụ sở xã vắng tanh
Tình huống, đến cơ quan xã làm việc khoảng 10 giờ sáng mà cả xã vắng tanh không một bóng người, như vào “vườn không nhà trống” là một tình huống khá phổ biến nhất đối với cánh phóng viên điều tra. Do bị từ chối, bị chạy trốn, PV thường chọn giải pháp “bắt cóc” để xin được gặp các vị lãnh đạo cấp xã nhưng trong tình huống đó thường “5 ăn 5 thua”.
10 giờ sáng, PV báo điện tử Infonet có mặt tại một xã ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), nhân sự kiện Bộ trưởng TNMT trả lời Quốc hội, PV được lệnh tìm hiểu xem người dân ở đó quan tâm như thế nào về việc này. Đến UBND xã vắng tanh vắng ngắt, không có cả bảo vệ, dựng xe vào rồi mà chẳng thấy ai. PV chạy hết các phòng ban, gõ cửa các phòng nhưng cũng không có tiếng hồi đáp. May thay, có một người vừa vào, tự xưng là bảo vệ, thấy tôi chạy đôn chạy đáo thì bảo cán bộ xã đi vắng hết rồi, không có ai ở nhà. Đến khi có mặt ở nhà một trưởng thôn, chúng tôi gọi điện cho chủ tịch xã được chủ tịch xã xác nhận cả cơ quan đi thăm người ốm. Chẳng biết thực hư lý do “bỏ xã không, trụ sở trống” như thế nào nhưng thời gian hành chính mà cả xã không có một ai có mặt tại trụ sở thì đúng là làm khó cho dân.
10 giờ sáng (giờ hành chính), cán bộ xã đi vắng hết |
Sự việc tương tự cũng vào thời điểm PV báo điện tử Infonet điều tra loạt bài “Xẻ thịt Phòng tuyến sông Như Nguyệt” (Yên Phong- Bắc Ninh). Phóng viên đến trụ sở xã, vào lúc 10 giờ, cả xã lục tục kéo nhau đi tiếp khách huyện, từ chối tiếp phóng viên. Đến 11 giờ, nhờ tin báo của người dân địa phương, chúng tôi mới biết cán bộ xã đang ngồi "tiếp cán bộ huyện" tại nhà riêng của một cán bộ xã. Khi PV đến, thì bữa cỗ trở nên náo loạn, nháo nhào, các quan khách không muốn giáp mặt PV, nháo nhào bỏ cỗ chạy, khiến người dân được bữa cười bể bụng.
Trả lời về việc cán bộ xã "đi nhậu" từ 10 giờ sáng, ông Ngô Quý Tiệp, Phó bí thư thường trực huyện ủy Yên Phong, cho biết: “Ở đây, chúng tôi duy trì ngày làm 8 giờ rất tốt, nhất là với đơn vị cấp huyện nhưng ở cấp xã thôn thì rất khó vì ở khu vực nông thôn, nhiều khi buổi sáng còn tranh thủ đi cày xong rồi mới đi làm. Lại thêm làm việc xã còn nhiều các quan hệ khi ma chay, cưới hỏi… Nhiều khi cũng vẫn phải đi mà những đám đó lại tổ chức vào giờ hành chính.”
Khoảng 10 giờ (ngày làm việc), cán bộ xã đi vắng hết, các cửa đóng im ỉm |
“Quan” xã mở chiếu bạc trong trụ sở
Có việc phải liên hệ làm việc với UBND một xã ngoại thành Hà Nội, lúc PV có mặt tại trụ sở UBND xã là lúc 1g30. Tin chắc rằng bộ máy hành chính xã đã bắt đầu hoạt động, thời điểm đó là mùa đông, nhưng những gì mà PV chứng kiến thì ngoài sức tưởng tượng. Phòng phó chủ tịch xã mở toàng hoang, 4 ông chụm lại với nhau chơi tá lả, trên mặt bàn không có tiền, tưởng rằng các quan xã chơi vui. Ai ngờ mỗi lần kết thúc ván chơi, các công chức xã, trong đó có Phó chủ tịch xã, lại rút ví ra, ù 100 nghìn đồng, nhất được “ăn” 30 đến 50 nghìn đồng những người còn lại từ nhì đến bét.
Không biết người đến liên hệ làm việc là nhà báo nên các “quan” cứ thản nhiên chơi đến tận 2 giờ chiều khi lác đác có người dân đến xin giấy tờ mới chịu rút đi chỗ khác. Nhưng trong khoảng thời gian ấy, cũng đã có 4-5 ván bài được hoàn thành số tiền "được thua vui vẻ" cũng phải lên đến con số gần triệu đồng, so với lương công chức xã nó chiếm một phần nhưng vẫn chưa lớn bằng việc mất lòng tin của người dân. Người dân sẽ nghĩ gì khi thấy những công bộc của dân cứ nhởn nhơ chơi mà để mặc bao việc không được giải quyết thấu đáo. Nhiều mẫu thuẫn vẫn âm ỉ, không được giải quyết dứt điểm khiến tình làng nghĩa xóm, an ninh trật tự xã không được đảm bảo (???).
Chuyện "xê xích" trong công tác quản lý thời gian làm việc của cán bộ và công chức xã đã trở thành "chuyện thường ở huyện" nhưng đáng nói hơn, một số cán bộ lại sử dụng quỹ thời gian làm việc vào những việc “vui chơi có thưởng” hoặc nhậu nhẹt thì điều đó khó có thể chấp nhận.