Ấm áp tình yêu của mẹ!
Ấm áp tình yêu của mẹ!
20.10 của những phụ nữ không cười
Trong cuốn kỷ yếu của tổ chức SOS quốc tế, có một phần dành để tôn vinh những bà mẹ SOS trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, thì chị là đại diện cho hơn 130 mẹ ở các làng SOS xuất hiện trong cuốn sách này. Chị là Nguyễn Thị Đỗ.
Người phụ nữ lấy vợ cho chồng!
Tâm sự với tôi về những kỉ niệm đã đánh dấu cuộc đời mình, chị không khỏi nghẹn ngào, xúc động. Năm 1969, sau khi học xong lớp sư phạm chị được phân công về địa phương, thị xã Sóc Sơn, nơi chị sinh ra và trưởng thành, trở thành cô giáo mầm non. Thời gian đó cuộc sống cũng như cơ sở vật chất đều rất khó khăn, chị đã đi tới từng gia đình xin từng thanh tre, tấm ván về để đóng bàn học cho các cháu. Cơ sở vật chất khó khăn là vậy, lại còn phải lo sơ tán vì chiến tranh nhưng chị vẫn không hề nản lòng, vì một lòng yêu nghề và yêu trẻ.
Đến năm 1970, thực sự là mốc thời gian thay đổi cuộc đời chị, chi Đoàn thôn chị kết nghĩa cùng với một đơn vị bộ đội đóng quân gần đó. Chị đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ anh lính trẻ, tuy quê anh ở xa nhưng chị vẫn quyết tâm đến với anh bằng trọn trái tim mình.
Năm 1972, chị Đỗ kết hôn, sau 3 năm đất nước hoàn toàn thống nhất nhưng phải đến năm 1982 vợ chồng chị mới đoàn tụ. Nhưng hạnh phúc đã chẳng mỉm cười với anh chị. Chị đã không có khả năng sinh con và mất mãi mãi thiên chức của một người mẹ. Chị không biết mình đã khóc bao đêm, suy nghĩ nhiều thế nào để rồi đưa ra quyết định - cưới vợ… cho chồng.
“Khi đưa đơn ly dị cho chồng, anh ấy đã không đồng ý, nhưng tôi không thể chỉ nghĩ cho bản thân mình, chồng tôi là con một trong gia đình, cần có người nối dõi, tôi muốn anh ấy hạnh phúc nên đã đề nghị anh ấy tìm một người phụ nữ khác để xây dựng gia đình, tôi muốn anh ấy có những đứa con, điều mà bản thân tôi không thể làm được. Mất hơn 1 năm tôi mới tìm được người phù hợp với chồng mình, cô ấy là người trong làng”.
Rồi nhân duyên đã đưa chị đến với nơi đây, chính ngôi làng này đã giúp chị tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống, tìm thấy niềm vui khi được trở thành mẹ của cả đàn con. Việc trở thành mẹ tại làng trẻ SOS cũng khá mới mẻ, những người thân trong gia đình chị sau một thời gian bị chị thuyết phục, cũng vui vẻ chấp nhận.
Người mẹ trong ngôi nhà "Hoa Ngọc Lan"
Làm một người mẹ bình thường đã khó, nhưng làm một người mẹ ở làng trẻ em SOS càng khó khăn hơn bởi các cháu ở làng hầu hết đều có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Tháng 1/1990, cùng với 15 người khác, chị Nguyễn Thị Đỗ chính thức trở thành bà mẹ của làng trẻ em SOS Hà Nội. Làng SOS được thành lập chuyên để nuôi dưỡng trẻ mồ côi, không nơi nương tựa và là nơi đầu tiên được tổ chức SOS quốc tế chọn để xây dựng. 15 bà mẹ được chọn về làng là chủ nhân của 15 ngôi nhà mang tên 15 loài hoa khác nhau.
Mẹ Đỗ và đứa con nhỏ nhất trong nhà "Hoa Ngọc Lan" |
Chia sẻ với chúng tôi về “tiêu chuẩn” của một người mẹ tại SOS, Giám đốc làng, anh Nguyễn Tiến Dũng nói: "Ngoài những tiêu chuẩn như là phụ nữ độc thân không gia đình, không con cái thì một người mẹ SOS cần có kiến thức văn hóa về chăm sóc trẻ. Và trong một gia đình đầy đủ cả trẻ lớn, bé thì kiến thức lại càng phải thường xuyên để cập nhật, theo kịp sự phát triển của các con. Không những nuôi dưỡng chăm sóc các con từ khi còn nhỏ, mà khi chúng lớn lên, mẹ là những người bạn tâm tình, chia sẻ và là chỗ dựa tình cảm cho chúng. Giúp chúng có những định hướng về nghề và về cả tâm lý. Ngay cả khi các con lấy vợ, lấy chồng rồi, thì sợi dây liên kết giữa mẹ và các con vẫn được duy trì, bền chặt".
Khi được hỏi về kỉ niệm của những ngày ở SOS, chị Đỗ chia sẻ: “Tôi đã không có được niềm hạnh phúc ấy trong suốt 17 năm và giờ thì tôi có tới 18 đứa con, quả là một sự diệu kỳ”.
Ở nhà Hoa Ngọc Lan còn có những cặp anh chị em ruột sống cùng với nhau được mẹ Đỗ đón về từ ngày từ thành lập. Đó là trường hợp của 2 em Trần Thu Hoài và Trần Mai Phương. Bố mẹ của Hoài, Phương là công nhân thủy điện Sông Đà bị mất trong một tai nạn lao động, khi đi lấy thức ăn cho công nhân. Lúc đó Hoài 3 tuổi, còn Phương vừa mới đầy năm. Sau khi bố mẹ mất, chị em Hoài được người bác ruột đưa về sống ở Hà Tĩnh.
Cuộc sống khó khăn, cộng với gia cảnh thuần nông của gia đình người bác khiến cả năm trời các em chẳng biết đến một bữa cơm no. Mới 8 tuổi, Hoài đã phải lang thang khắp các nhà máy xay xát quanh vùng để đi mót gạo và xin ăn. Thấy hoàn cảnh của các em, những đồng nghiệp cũ của bố mẹ em ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã xin cho cả 2 chị em về làng SOS Hà Nội. Hoài và Phương trở thành con của mẹ Đỗ trong gia đình Hoa Ngọc Lan. Học hết phổ thông, em xin đi học làm bánh Âu ở Trường Dạy nghề Hoa Sữa. Bây giờ thì hai chị em Hoài, Phương đã trưởng thành. Hoài đã đi làm được 10 năm, có thu nhập ổn định. Năm 2002, em lấy chồng và có 1 bé trai.
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống trong mái nhà chung SOS, Hoài tâm sự: “Chúng em là những đứa trẻ mồ côi, nhưng chúng em đã may mắn hơn các bạn khác, vì chúng em được mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, cuộc sống của chúng em trong làng cũng không khác gì với cuộc sống của các bạn khác ở bên ngoài xã hội. Với em, mẹ Đỗ đã trở thành một người mẹ thực sự, đến bây giờ khi có gia đình, mẹ cũng vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, nâng đỡ em trên mọi nẻo đường.”
Chị Đỗ giờ cũng là bà ngoại của 8 đứa cháu. Mỗi lần có dịp, các con gái của chị lại đưa cháu về thăm bà ngoại. Đứa nào con ốm đau, khó nuôi, mẹ Đỗ lại bảo: “Đưa con về đây để mẹ chăm cho”. Chính vì thế đàn cháu luôn quấn bà ngoại, mặc dù ở nhà chị bận không ít việc. Nhưng có lẽ bổn phận và nghĩa vụ chăm sóc đàn cháu đang bi ba, bi bô với chị cũng hạnh phúc biết bao. Trong năm, ngày vui nhất đối với gia đình chị, đó là tết Trung thu, tết Nguyên đán và ngày sinh nhật chị. Khi đó các con của chị đều tụ tập về đông đủ. Đứa mua bánh, đứa làm hoa tặng mẹ, cười nói râm ran khắp khu nhà.
Đó là khu nhà của mẹ Đỗ, mùa này đang tỏa ngát hương hoa lan.
P.Quỳnh