Aloha Việt Nam!
Aloha, Việt Nam! Chào mừng đến nước Mỹ! Viên sỹ quan xuất nhập cảnh đóng cộp cái dấu vào cuốn hộ chiếu màu xanh rồi đưa trả lại tôi và cất lời chào. Tôi hơi ngỡ ngàng bởi trước khi đặt chân đến đây, tôi hình dung là việc nhập cảnh sẽ rất ngặt nghèo bởi chính sách siết chặt nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump.
Một điểm khiến tôi hơi ngỡ ngàng khi đặt chân đến Hawaii là sân bay Honolulu không đẹp và hoành tráng như tưởng tượng về nước Mỹ. Với nhiều người, Hawaii là một hòn đảo xinh đẹp nằm giữa Thái Bình Dương và là một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới, nhưng thực tế, Hawaii còn là một trong những căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ và nhắc đến Hawaii, người ta thường nhớ ngay đến trận Trân Châu Cảng – trận chiến đã kéo nước Mỹ vào Chiến tranh thế giới thứ 2. Sự “pha trộn” giữa một bên là thiên đường du lịch, một bên là căn cứ quân sự được thể hiện khá rõ nét ở ngay chính sân bay quốc tế Honolulu. Đường băng của sân bay này được sử dụng cho cả các chuyến bay thương mại chở khách, đồng thời cũng chính là đường băng của căn cứ không quân Hickam. Sau khi hạ cánh xuống đường băng, nếu rẽ phải, máy bay sẽ vào sân bay quốc tế Honolulu, còn rẽ trái là vào sân đỗ của căn cứ Hickam.
Hickam – Từ Chiến tranh Việt Nam đến Đối tác Thái Bình Dương
Căn cứ không quân Hickam là một phần của căn cứ hỗn hợp Pearl Harbour-Hickam, nằm trên đảo Honolulu, có 55.000 quân nhân và gia đình họ, tạo nên căn cứ hải quân lớn thứ nhì nước Mỹ. Căn cứ hỗn hợp này được thành lập dựa trên sự sát nhập căn cứ hải quân Trân Châu Cảng và căn cứ không quân Hickam năm 2010.
Hải quân Mỹ thành lập căn cứ hải quân tại Trân Châu Cảng năm 1908 và nó đã đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Thế giới thứ 2, mặc dù hứng chịu thiệt hại nặng nề lúc đầu cuộc chiến bởi đòn tấn công bất ngờ, quân đội Nhật.
Khi tôi cùng với 11 nhà báo khác của các nước ASEAN đến Hickam, “đón tiếp” chúng tôi là 2 chiếc C-17 Globemaster III - mẫu máy bay vận tải hạng nặng với biệt danh “ngựa thồ” của không quân Mỹ. |
Nằm trên diện tích lên tới 11.207 ha, căn cứ đóng vai trò cực kì quan trọng trong bố phòng của Quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, là hậu cứ của các hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm, bên cạnh nhiệm vụ “bao vùng” các hoạt động tác chiến không quân tại Thái Bình Dương và châu Á.
Hiện nay, Trân Châu Cảng là nhà của 11 tàu mặt nước, 19 tàu ngầm, còn Hickam là bến đỗ của các loại máy bay vận tải C-17 Globemaster III, tiếp dầu KC-135 Stratotanker hay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor. Căn cứ không quân Hickam là nơi đóng quân của Lữ đoàn không quân số 15 và 67 đơn vị đối tác, trong đó có các trụ sở của Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF), Lực lượng Vệ binh không quân quốc gia Hawaii và Không đoàn 154 của Lực lượng Vệ binh không quân Hawaii.
Một chuyên gia Việt Nam (trên cùng bên trái) đang tham dự một khóa học của APCSS treo tại phòng truyền thống của Trung tâm APCSS. |
Mặc dù là một căn cứ quân sự hỗn hợp khổng lồ nhưng trước khi bước chân vào sân bay Hickam, không một ai có thể nghĩ rằng họ đang đi vào vùng quân sự và thay vào đó là cảm giác như sắp sửa đi vào khu công viên giải trí nào đó, bởi vòng ngoài căn cứ này được bao bọc bằng những thảm cỏ xanh mượt mà, những hàng cây thẳng tắp và ngay ngắn với những đàn chim chóc nhởn nhơ bay lượn…
Khi tôi cùng với 11 nhà báo khác của các nước ASEAN đến Hickam, “đón tiếp” chúng tôi là 2 chiếc C-17 Globemaster III – mẫu máy bay vận tải hạng nặng với biệt danh “ngựa thồ” của không quân Mỹ. Đại úy James Kovarovic, phi công lái chiếc C-17 mang số hiệu 5151 cho biết, chiếc máy bay của anh chính là một trong những “ngựa thồ” được giao nhiệm vụ vận chuyển trang thiết bị sang Việt Nam phục vụ cho các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama hồi năm 2015 hay Tổng thống Donald Trump vào cuối năm 2017. Ngoài nhiệm vụ này, những chiếc C-17 của căn cứ Hickam còn rất thường xuyên bay sang Việt Nam với tần suất khoảng 6 lần mỗi năm để vận chuyển hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam cách đây hơn 40 năm.
Trong lúc tôi đang định trèo lên cầu thang để tham quan buồng lái của chiếc C-17 số hiệu 5151 thì một nữ đại úy khác ra đập vào vai tôi hỏi: Bạn đến từ Việt Nam có phải không?
Ngay sau câu trả lời có của tôi thì ánh mắt của cô nữ sĩ quan sáng bừng lên:
Tuần tới tôi cũng sang Việt Nam đấy.
Thật hả? Bạn sang Việt Nam du lịch hay công tác?
Tôi sang để tham dự chương trình Đối tác Thái Bình Dương ở Đà Nẵng và sau đó là Nha Trang.
Vậy là câu chuyện của chúng tôi lập tức chuyển về đề tài Việt Nam và mối quan hệ “kỳ lạ” Việt – Mỹ. Đối tác Thái Bình Dương là chương trình huấn luyện hỗ trợ nhân đạo đa quốc gia được thực hiện hằng năm tại châu Á và châu Đại Dương do Chính phủ Hoa Kỳ khởi xướng kể từ sau thảm họa sóng thần năm 2004. Năm 2017 là lần thứ 8 chương trình được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của tàu Bệnh viện Khánh Hòa của Việt Nam, tàu vận tải viễn chinh cao tốc USNS Fall River của Mỹ, tàu sân bay J.S. Izumo và tàu khu trục J.S. Sazanami của Nhật, cùng một số tàu của các nước Anh, Úc, Chi-lê và Hàn Quốc. Đối tác Thái Bình Dương là chương trình góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
“Bạn có thấy lạ không. Cách đây hơn 40 năm, cũng chính từ căn cứ này, người ta chuẩn bị mọi thứ cho không quân Mỹ sang tấn công Việt Nam, nhưng giờ này, tôi và bạn cùng đứng đây để bàn về chuyện 2 nước nên hợp tác thế nào cho hiệu quả hơn”, cô đại uý trẻ cười cười rồi kết thúc câu chuyện với tôi.
Tôi mỉm cười.
Từ Thái Bình Dương đến Biển Đông
Rời Hickam, chúng tôi đi thẳng đến Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương (APCSS). Đây là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ về các vấn đề thách thức an ninh đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dù mới chỉ ra đời từ tháng 4/1995 nhưng cho đến nay, đây đã trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc của các quan chức quốc phòng, những nhà hoạch định chính sách an ninh của các nước trong khu vực Thái Bình Dương.
Tòa nhà chỉ huy và điều hành của căn cứ Hickam. |
Đón chúng tôi ở cửa, bà Markovinovic – Giám đốc Đối ngoại của APCSS giới thiệu: “Mục đích lớn nhất của chúng tôi khi thành lập Trung tâm này là để xây dựng một nơi và mời mọi người đến đối thoại. Thông điệp của chúng tôi là: Hãy đặt khẩu súng xuống và ngồi vào đây nói chuyện với nhau để có thể hiểu nhau hơn. Khi đã hiểu nhau rồi thì nguy cơ xung đột sẽ giảm đi đáng kể”.
Bà Markovinovic cho biết thêm, mặc dù bắt đầu hoạt động từ năm 1995 đến nay, qua hơn 20 năm nhưng APCSS đã đón hơn 8.000 chuyên gia, quan chức từ hơn 100 quốc gia khác nhau tham gia các khoá học, các hội thảo hay diễn đàn của Trung tâm, trong đó có 4 vị tổng thống hoặc thủ tướng, 3 phó tổng thống, 35 bộ trưởng và 151 đại sứ của các quốc gia từng tham dự tại đây. Điều đáng nói, Việt Nam là một trong số những quốc gia có số lượng chuyên gia tham dự đông đảo nhất và cũng có nhiều đóng góp nhất cho các diễn đàn đa phương về an ninh khu vực do APCSS tổ chức.
Tôi tò mò điểm qua tất cả những lá cờ được treo ngay ngắn hai bên sảnh chính của Trung tâm và hỏi: “Hình như tôi không thấy cờ Triều Tiên ở đây. Có phải vì họ chưa có quan chức hay chuyên gia nào tham dự APCSS?”. Bà Markovinovic cho biết, cho đến nay, Triều Tiên là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương “chưa thể mời” đến APCSS.
“Bà có nhận xét gì về các chuyên gia Việt Nam đã từng tham dự các Diễn đàn của APCSS?”, tôi hỏi tiếp.
“Họ có nhiều người trẻ, thông minh và đặc biệt là có quan điểm rất nhất quán, kiên quyết về vấn đề Biển Đông. Trong thời gian tới, Việt Nam là một trong những khách mời quan trọng nhất, được chào đón nhất tại APCSS”.
Một người bạn cũ
Trước khi đến Hawaii, tôi nghĩ rằng tiểu bang nằm lọt thỏm giữa Thái Bình Dương mênh mông này sẽ rất hiếm hoi “dấu ấn Việt Nam”, nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng mình đã nhầm to. Gần như mọi ngóc ngách của Honolulu đều đã có hình ảnh Việt Nam khá đậm nét. Không chỉ ở Hickam, APCSS hay Trung tâm Đông – Tây (East – West Center), ngay cả chuyến taxi đưa tôi từ miệng núi lửa Diamond Head về khách sạn cũng có một người gốc Việt.
“Này, chàng trai, đừng có đùa, tôi cũng thạo Hà Nội không kém anh bao nhiêu đâu nhé” - Raymond Burghardt, người đàn ông với mái tóc đã bạc trắng nhưng dáng vẻ vẫn còn khá tráng kiện và nhanh nhẹn nháy mắt với tôi sau khi biết rằng tôi là một nhà báo đến từ Việt Nam. Và rồi, trong căn phòng họp của Trung tâm Đông Tây, chúng tôi lại cùng nhau nói về Hà Nội, nói về Việt Nam.
Raymond Burghardt là đại sứ thứ 2 của Hoa Kỳ tại Việt Nam (sau ông Peter Peterson) và đã từng ở Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2004.
Trước cửa Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương (APCSS). |
“Bạn có thể gọi tôi là một người bạn cũ mặc dù hiện nay, mỗi năm tôi đều sang Việt Nam ít nhất một lần để làm việc cho Trung tâm Đông Tây. Điều khiến tôi vui nhất là qua hơn 20 năm bình thường hoá quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực sự trở thành những người bạn thân thiết. Chúng ta đã thực sự cùng nhau giải quyết những vấn đề tồn đọng của chiến tranh, phát triển mối quan hệ kinh tế ngày càng vững chắc và đặc biệt là sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh ngày càng được mở rộng. Nó cho thấy, niềm tin giữa hai quốc gia đã được vun đắp và củng cố rất nhiều. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi tin là mặc dù đã rút khỏi TPP nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề khác được hai nhà lãnh đạo thảo luận, ví dụ như vấn đề Triều Tiên hay đặc biệt là vấn đề Biển Đông”, Raymond Burghardt thao thao nói.
Aloha Việt Nam!
Câu chào tạm biệt của vị cựu đại sứ lần này không còn khiến tôi giật mình ngạc nhiên nhưng lại khiến tôi vui hơn hẳn bởi tôi tin rằng, không chỉ ở Hawaii mà ở những miền đất khác trên khắp thế giới này, hình ảnh Việt Nam đã và đang lan rộng, để lại những dấu ấn sâu đậm và những sự trân trọng của bạn bè quốc tế.