7 nhóm giải pháp lớn phát triển kinh tế - xã hội năm 2012
7 nhóm giải pháp lớn phát triển kinh tế - xã hội năm 2012
Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước; khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Theo đó, điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất, cho vay tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở, kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15 - 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14 - 16%, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp thích hợp để tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 4,8% GDP.
Chính phủ yêu cầu kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15 - 17%, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô... Ảnh: Internet |
Thứ hai, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Cụ thể là, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương, Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trình Chính phủ cho ý kiến trong quý II/2012 trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương để có Nghị quyết về nội dung này.
Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011- 2015, trong đó chú trọng tập trung chỉ đạo và nguồn lực để giảm nghèo 4% đối với các huyện nghèo, xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Thứ năm, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, để nâng cao năng lực dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất và đời sống.
Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, chống ngập úng cho các thành phố lớn, xử lý nghiêm các hành vi vi pháp pháp luật về bảo vệ môi trường,...
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng chống tham nhũng.
Bộ Nội vụ được giao tập trung cải cách chế độ công chức - công vụ, hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương và phát huy chủ động, sáng tạo, sát thực tế của địa phương và cơ sở, nhất là các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách,…
Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phải thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tăng cường tính công khai, minh bạch,… xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng, cũng như phải xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng,…
Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển quân đội, nâng cao chất lượng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.
Bộ Ngoại giao chủ động nghiên cứu tham mưu để nâng tầm và phát triển quan hệ theo chiều sâu, ổn định, thực chất, tạo lợi ích đan xen trong quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác chiến lược, các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống, thúc đẩy hợp tác với các đối tác tiềm năng ở các khu vực,…
Để thực hiện được 7 nhóm giải pháp trên, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai chương trình hành động cụ thể ngay trong tháng 1/2012. Trong đó, phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian, đơn vị chủ trì thực hiện. Đồng thời, phải tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp trong Nghị quyết, phân công một lãnh đạo chủ trì, chỉ đạo trực tiếp triển khai thực hiện Nghị quyết.
Năm 2012, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6 - 6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 11 - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, trong điều kiện cho phép, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%... |
B.T