50 năm Xuân Mậu Thân 1968: Bước ngoặt quyết định
Phải mất thêm 7 năm chiến đấu kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chúng ta mới thống nhất được 2 miền Nam Bắc sau 21 năm trường kỳ kháng chiến; nhưng các nhà sử học và nghiên cứu quân sự đều đồng thuận, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là bước ngoặt lịch sử quyết định!
Hiệu lệnh nổ súng
Trong bài viết “Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy” trên Văn Nghệ số Tết Mậu Dần 1998, ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ nhớ lại: Trên các chiến trường, công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công được tiến hành từ giữa năm 1967; một số lớn các lượng thuốc nổ, vũ khí bí mật đã được chuyển vào các thành phố, đô thị miền Nam… Đến đầu tháng 12/1967, những binh đoàn chủ lực, theo kế hoạch đang bí mật áp sát các bàn đạp tiến công. Chỉ thị cụ thể của Bác Hồ cho các chiến trường là: “Kế hoạch phải thật tỉ mỉ; Hợp đồng phải thật ăn khớp; Bí mật phải thật tuyệt đối; Hành động phải thật kiên quyết; Cán bộ phải thật guơng mẫu”. Điều đáng nói, một cuộc tổng tấn công tổng lực trên khắp các mặt trận sắp sửa được nổ ra đúng dịp Tết Mậu Thân, trên khắp các chiến trường miền Nam, nhưng quân địch lại không hề hay biết gì về kế hoạch này”.
Suốt 6 tháng trời nỗ lực ráo riết, việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên Bộ Chính trị vẫn phải họp rất căng thẳng để rà soát lại toàn bộ mọi công tác và hạ quyết tâm chiến lược. “Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt ngay bên nhà Bác Hồ, có bản đồ to kê trên bục trong phòng họp và nhiều tướng lĩnh đến báo cáo. Từ sự phân tích và nhận định tình hình, Bộ Chính trị đề ra: Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa đề giành thắng lợi quyết định. Tháng 1/1968, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (Khóa III) thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967, khẳng định quyết tâm, mục tiêu và hướng tiến công chiến lược”, ông Vũ Kỳ nhớ lại.
Điều đặc biệt, từ khi về nước - năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Xuân Mậu Thân 1968 cũng là xuân đầu tiên Bác lại phải ăn Tết ở nước ngoài. Cuối tháng 1/1968, sau khi hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho đòn đánh quyết định vào đêm Giao thừa và căn dặn các đồng chí của mình, Bác Hồ lại phải lên đường sang Bắc Kinh để điều trị bệnh – một sự vắng mặt bất đắc dĩ – nhưng trái tim Người thì luôn đau đáu hướng về chiến sự nơi miền Nam thành đồng Tổ quốc. Theo ông Vũ Kỳ, trước đó Bác đã chuẩn bị thư chúc Tết Mậu Thân 1968 từ tháng 11/1967 (3 tháng trước Tết). Sáng Chủ Nhật (ngày 31/12/1967), Bác Hồ ra Phủ Chủ tịch để đọc ghi âm thư chúc Tết. Trong thư, Bác “gửi lời chúc mừng đến các nước XHCN anh em, các nước bầu bạn và nhân dân toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta”; “chúc kiều bào ta ở nước ngoài, năm mới cố gắng mới, tiến bộ mới!”.
Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968. |
Riêng với đồng bào trong nước và đặc biệt là quân dân miền Nam đang chuẩn bị bước vào cuộc chiến mang tính quyết định, ngoài lời chúc mừng đầu năm Bác Hồ còn chúc bằng bài thơ:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Điều đặc biệt, bài thơ chúc Tết này cũng chính là hiệu lệnh nổ súng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam.
Đỉnh cao nghệ thuật quân sự
Thực tế, suốt 2 tháng đầu năm 1968, trên toàn chiến trường miền Nam không lúc nào ngớt tiếng súng. Đánh giá về vai trò và ý nghĩa lịch sử của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tại Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” được Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP. HCM tổ chức mới đây, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhấn mạnh: Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã tiến công hàng loạt đô thị, đánh thẳng vào những trung tâm đầu não chính trị, quân sự, hậu phương trọng yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, gây cho chúng những tổn thất lớn, làm chấn động nước Mỹ, đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường miền Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tiến công bằng phương thức tác chiến mới, nghệ thuật tổ chức và bố trí lực lượng – tất cả được tổng hòa trong một sự kiện “long trời lở đất” 50 năm trước. Nghệ thuật quân sự được đẩy lên mức đỉnh cao, từ việc bí mật chuẩn bị vũ khí, con người đến phối hợp các lực lượng tình báo - biệt động - quân chủ lực - các tầng lớp nhân dân. Từ các trận đánh nghi binh chiến lược như hướng sự chú ý, tập trung quân của Mỹ sang Khe Sanh - Đường 9 chỉ 10 ngày trước giờ G tổng tiến công – để các cánh quân khác “rảnh tay” bố trí thế trận. Vai trò của từng cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt từng người dân trong các căn cứ lõm (nằm sâu trong lòng địch), những vị trí chiến lược được phát huy cao nhất. Từ bà má nuôi quân, ông nông dân chuyển vũ khí, các em học sinh, sinh viên dẫn đường đều tham gia hiệp đồng chiến đấu.
“Có thể nói cuộc Tổng tiến công đã huy động được quân và dân miền Nam tham gia với khát vọng hòa bình và quyết tâm sắt đá, tinh thần dũng cảm vô song cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã kết hợp được cả 2 cánh vừa nổi dậy của quần chúng, vừa tấn công của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương – một hình thái chiến tranh rất đặc biệt của Việt Nam so với các nước”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Trước năm 1967, cả Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh (GMT+8) làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8/8/1967, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) đổi lịch dùng múi giờ GMT +7 nên âm lịch năm đó tháng chạp chỉ có 29 ngày. Trong khi Việt Nam cộng hòa (miền Nam) vẫn theo âm lịch của múi giờ GMT+8 nên tháng chạp có 30 ngày giống như lịch Trung Quốc.
Chính vì vậy, Xuân Mậu Thân 1968, hai miền nam bắc Việt Nam đón giao thừa 2 ngày khác nhau. Cụ thể, miền Nam đón giao thừa lúc 23h00 ngày 29/1/1968, trong khi miền Bắc đón giao thừa lúc 00h00 ngày 29/1/1968 - trước miền Nam 23 tiếng đồng hồ).
Đêm 30 rạng sáng 31/1/1968, quân và dân ta đã mở cuộc tiến công và nổi dậy vào hầu hết các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự... trên toàn miền nam, đặc biệt là trung tâm Sài Gòn - trung tâm đầu não chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Từ ngày 31/1 đến 25/2/1968, 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ... của miền Nam rung chuyển.