33% mẫu thực phẩm tại TP.HCM không đạt chuẩn
Hải sản bày bán tại một quán ăn tại TP.HCM |
Tỷ lệ mẫu không đạt tăng so với cùng kỳ
Theo đó thống kê cho thấy hiện TP có 55.931 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 2.821 bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng đã lấy 6.763 mẫu thực phẩm để kiểm tra và kết quả có 4.497 mẫu đạt (tỷ lệ 66,5 %), giảm 8,5% so với cùng kỳ; 2.266 mẫu không đạt (tỷ lệ 33,5%), tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Riêng về quản lý thức ăn đường phố, theo số liệu TP hiện có 20.898 cơ sở, và qua kiểm tra 15.649 cơ sở đã phát hiện 2.040 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 13%), phạt tiền 1.017 cơ sở với số tiền phạt 174 triệu đồng.
Về công tác giám sát ngộ độc thực phẩm tập thể, trong 9 tháng đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 512 người mắc, không có tử vong. Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính là 5,12 người/100.000 dân.
Để quản lý các nguồn cung, đến nay TP đã cấp 97 Giấy Chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế với tổng sản lượng 34.699 tấn/năm.
Các sản phẩm được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn đã sử dụng logo riêng và được phân phối tiêu thụ trong các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn TP.
Hiện nay các Chi cục chuyên ngành đã tổ chức và triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác quản lý với 21 tỉnh tại Tây Nguyên và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để kiểm soát nguồn nông sản thực phẩm theo chuỗi từ khâu chăn nuôi, sản xuất, nuôi trồng đến tiêu thụ sản phẩm.
Văn bản luật còn bất cập
Cũng trong báo cáo, TP.HCM đã nêu ra nhiều bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực an toàn thực phẩm, chính điều này đã làm cơ quan chức năng khó quản lý, xử lý trong khi các đối tượng xấu có thể lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm.
Cụ thể, theo TP: Nghị định 178/2013/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm” chưa có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cơ sở sản xuất không có cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm.
Bên cạnh đó, Thông tư số 24/2013/TT-BYT chỉ quy định mức giới hạn tối đa dư lượng đối với chất Clenbuterol và Ractopamin mà không quy định đối với Salbutamol. Quy định mức giới hạn tối đa đối với chất Clenbuterol trong thực phẩm làm từ thịt trâu, bò, ngựa mà không quy định thực phẩm làm từ thịt heo, gà.
Quy định mức giới hạn tối đa đối với chất Ractopamin trong thực phẩm làm từ thịt trâu, bò, heo mà không quy định thực phẩm làm từ gia cầm trong khi quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2016/TT-BNNPTNT quy định mức tồn dư trong thịt động vật từ 1-5 ppb.
Thông tư 24/2013/TT-BYT quy định về mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm đối với 59 hóa dược, trong khi QCVN 01-10:2009/BNNPTNT và QCVN 01-12:2009/BNNPTNT chỉ quy định hàm lượng tối đa cho phép và thời gian sử dụng thức ăn có kháng sinh, hóa dược trước khi giết mổ cho gà (19 kháng sinh, hóa dược) và cho heo (09 kháng sinh, hóa dược).
Ngoài ra còn thiếu các quy chuẩn kỹ thuật như: Điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở sơ chế động vật, sản phẩm động vật, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật (nhất là thịt tươi), quy trình lấy mẫu thịt tươi kiểm tra chất cấm tại điểm kinh doanh, chợ, siêu thị…để làm cơ sở kiểm tra xử lý.
Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay, tổng số tổ chức, cá nhân đã được chứng nhận VietGAP còn hạn chế trên địa bàn thành phố là 368 tổ chức, sản lượng ước tính 24.027 tấn/năm.
Lũy tiến đến nay, tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận VietGAP là 819 tổ chức, cá nhân, với sản lượng dự kiến 57.994,59 tấn/năm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn bò của TP là 147.438 con, giảm 1,6% so với cùng kỳ; trong đó, đàn bò sữa 93.819 con, giảm 1,8% so với cùng kỳ, bò cái vắt sữa 46.956 con, giảm 1,7% so với cùng kỳ.
Tổng đàn heo là 361.922 con, tăng 1,1% so cùng kỳ, trong đó, nái sinh sản 53.519 con, tăng 5,9% so với cùng kỳ.