3 ngày Tết, 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ
Pháo lậu bị phát hiện trước Tết Bính Thân 2016. |
Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong 3 ngày nghỉ Tết vừa qua (từ 29 tết đến mùng 2 tết) cả nước có 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ, nhưng rất may không có tử vong. Cao nhất là Quảng Ngãi, với 17 trường hợp nhập viện, nhưng trong đó đã có tới 15 trường hợp do sự cố pháo hoa tại quảng trường thành phố, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức cấp cứu kịp thời.
Có thể nói rằng, tình trạng đốt pháo nổ trong các ngày tết đang ngày càng giảm hẳn, kể cả ở nhiều vùng nông thôn. Tại tỉnh Thái Bình, địa phương đã 3 năm liền được Bộ Công an khen thưởng vì thành tích “Tết không tiếng pháo” năm nay tiếp tục làm tốt công việc này. Các tỉnh Hải Dương, Hà Nam là những địa phương từng bị Thủ tướng Chính phủ phê bình vì không kiểm soát được nạn đốt pháo năm nay cũng đã chuyển biến tích cực. Tại Quảng Trị, Giao thừa năm ngoái pháo nổ nhiều, nhưng năm nay cũng bình yên trở lại nhờ các lực lượng chức năng ra quân kiểm soát chặt chẽ…
Năm nay đã bước sang năm thứ 22 nước ta thực hiện các qui định của Chính phủ về việc cấm đốt pháo. Đây là một chủ trương từng gây ra nhiều tranh cãi nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, chủ trương này ngày càng được triển khai nghiêm túc, đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn, được dư luận nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao.
Có nhiều bài học rút ra từ kết quả trên, nhưng trước hết phải khẳng định, quan trọng nhất là sự chỉ đạo kiên quyết từ Chính phủ tới các địa phương. Còn nhớ bài học từ tỉnh Hải Dương 2-3 năm trước, sau khi Hải Dương báo cáo “không có đốt pháo” thì hàng loạt cơ quan báo chí đã đăng tải, phản ánh thực trạng và sau đó địa phương này đã bị Chính phủ phê bình, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm. Kịp thời rút kinh nghiệm, địa phương này ngày càng siết chặt công tác quản lý nhà nước, cùng với tuyên truyền giáo dục nên đã giảm hẳn tình trạng đốt pháo.
Ở nhiều địa phương khác, lực lượng chức năng đã đẩy lùi được nạn đốt pháo chính nhờ sâu sát bám nắm cơ sở và có những cách làm sáng tạo. Chẳng hạn như ở Nghệ An, vào dịp tết năm 2015, Công an tỉnh đã mạnh dạn thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt, năng động như thay vì xử phạt thì công an mua lại pháo của học sinh. Qua đó, nhiều phụ huynh và học sinh đã giao nộp pháo mà các bậc cha mẹ còn từ chối không lấy tiền của công an, nhận thức trong học sinh chuyển biến rõ rệt.
Tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), tối 25 tháng Chạp vừa qua, địa phương đã tổ chức cho một thanh niên bị bắt quả tang đốt pháo kiểm điểm ở Nhà văn hóa trước chính quyền và bà con khu phố. Việc phải đọc kiểm điểm trước bà con khu phố nơi mình cư trú trong đúng những ngày cận kề Tết nguyên đán đã để bài học sâu sắc đối với người thanh niên và có tác dụng giáo dục rất lớn đối với thanh niên địa phương.
Thành công từ những cái Tết không tiếng pháo để lại cho chúng ta nhiều bài học quý trong công tác quản lý. Những chủ trương đúng, việc triển khai ban đầu có khó khăn, có những ý kiến khác nhau, nhưng nếu được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, gắn với xử phạt nghiêm minh, giáo dục nhắc nhở thường xuyên, kịp thời thì sẽ thành công. Nhìn rộng hơn, vấn đề này còn gợi mở cho chúng ta bài học trong quản lý xã hội ở nhiều lĩnh vực khác như xây dựng văn hóa giao thông, phòng chống vi phạm Luật giao thông đường bộ, khắc phục tệ quan liêu trong bộ máy hành chính, nạn uống rượu bia tràn lan, cùng nhiều hủ tục khác.
Theo Dangcongsan