3 năm không thi tuyển, Sở VHTT&DL Hà Nội vẫn "nạp" gần nghìn lao động
Trong khi hàng nghìn lao động đội mưa xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển công chức thì nhiều đơn vị không tổ chức thi tuyển, thay vào đó là ký kết hợp đồng lao động làm nhiệm vụ như công chức, viên chức |
Sau nhiều ngày thực hiện giám sát, một trong những bất cập được đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội chỉ ra là tình trạng các đơn vị tự ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ vượt quá tổng số biên chế được giao làm ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ công chức, viên chức.
Một ví dụ điển hình được đoàn giám sát nêu ra tại Sở VHTT&DL Hà Nội. Năm 2014 biên chế công chức giao cho đơn vị này là 216, còn số biên chế viên chức 1.622, trong đó số thực có mặt 1.173 người, nhưng số lao động tự ký hợp đồng thỏa thuận lên đến 936 người. Dù 3 năm liền không tổ chức thi tuyển viên chức nhưng Sở VHTT&DL vẫn "vô tư" ký hợp đồng với số lượng lớn.
Cũng tại Sở VHTT&DL và ở một số chi cục thuộc Sở NN&PTNT vẫn còn tình trạng sử dụng viên chức sự nghiệp do những tồn tại lịch sử, dẫn đến bất hợp lý trong quản lý, áp dụng chế độ chính sách đối với cán bộ.
Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng giao chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68 chưa rõ ràng, cụ thể, chưa sát với nhu cầu thực tế của đơn vị sử dụng lao động và các quy định hiện hành. Chẳng hạn đối với Chi cục quản lý thị trường được giao 31 xe ô tô chuyên dụng, 32 trụ sở nhưng chỉ được giao 39 lao động hợp đồng theo Nghị định 68 (gồm cả lao công, tạp vụ, bảo vệ, lái xe).
Các đơn vị cũng không chủ động kiểm tra, rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính. Nếu có rà soát cũng chỉ để bổ sung chức năng nhiệm vụ mới được giao, hoặc đề nghị tăng đầu mối mà chưa rà soát để đảm bảo không trùng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các sở, ngành với các quận huyện, hoặc giữa các đơn vị trực thuộc.
Chẳng hạn như tình trạng thành lập các Trung tâm quản lý cụm, điểm công nghiệp trực thuộc UBND các huyện nhưng chưa rà soát chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, BQL đầu tư phát triển các cụm, điểm công nghiệp trực thuộc Sở Công thương; hay việc thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất của thành phố và 23 quận, huyện nhưng chưa rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Ban bồi thường GPMB các quận, huyện để tránh trùng chéo.
Ngoài ra vẫn còn tình trạng trùng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng chuyên môn của Sở NN&PTNT và một số chi cục trực thuộc Sở; Một số BQL DA hiện còn không đúng tên gọi, hay một số BQL DA gặp khó khăn do dãn, hoãn dự án hoặc đã hoàn thành dự án nhưng vẫn đề nghị tăng biên chế, điển hình là BQL đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội trực thuộc Sở GTVT…
Trước thực trạng trên, đoàn giám sát đề nghị UBND TP rà soát, xác định lại chức năng, nhiệm vụ để tránh chồng chéo, từng bước thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy.
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ HĐND TP thực hiện giám sát chuyên đề trực tiếp tại các đơn vị trực thuộc về tổ chức, bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế trên địa bàn. Ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục, như: Bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, trùng chéo; Đa số các địa phương, đơn vị đều chưa sử dụng hết số công chức, viên chức nhưng lại tự ý ký hợp đồng lao động với tổng số người làm việc lại cao hơn tổng số biên chế được giao; Vẫn còn tình trạng để lao động hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn của công chức; Nhiều đơn vị, địa phương sử dụng nguồn kinh phí từ khoán chi hành chính để trả lương và các chế độ, chính sách khác cho số lao động hợp đồng tự ký.