3 mức tín nhiệm: Bàn mãi nhưng chưa thấy phương án hay hơn
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với ông Dương Trung Quốc bên lề kỳ họp (Ảnh: ND) |
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có cuộc trao đổi với Infonet khi có nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên quy định ở 2 mức.
Có đại biểu băn khoăn vì sau khi lấy ý kiến thăm dò đại biểu tại kỳ họp thứ 7 nhưng lại không công bố kết quả. Vì sao vậy thưa ông?
Trong báo cáo gửi xin ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 7, lúc đó có báo cáo cả kết quả chứ không phải không. Sau đó Thường vụ đã trình ra để đại biểu thảo luận tại kỳ họp 8 này, trong đó có kết quả phiếu như thế nào.
Vì sao chúng ta lại đưa ra phương án chỉnh sửa là chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần mỗi nhiệm kỳ thưa ông?
Việc sửa theo hướng từ mỗi năm lấy 1 lần, giờ cả nhiệm kỳ (5 năm) lấy 1 lần dựa trên cơ sở mục đích của lấy phiếu cho phù hợp thời gian. Ví dụ lấy phiếu vào giữa nhiệm kỳ, mục đích để nâng cao giám sát, để đánh giá đại biểu từ đầu nhiệm kỳ đến giữa nhiệm kỳ, và từ giữa nhiệm kỳ trở đi để đánh giá cán bộ của mình để làm công tác quy hoạch…
Qua lắng nghe ý kiến của đông đảo cử tri, nhiều ĐBQH đề xuất chỉ lấy phiếu tín nhiệm ở 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Vậy vì sao Nghị quyết sửa đổi trình Quốc hội lần này lại vẫn đưa ra 3 mức, ông có thể nói rõ hơn việc này?
Trong quá trình thảo luận có ý kiến nói 3 mức, nhưng cũng có ý kiến đề nghị chỉ 2 mức tín nhiệm. Vì thế cần phải có sự trao đổi, phân tích tại sao lại 3 và tại sao lại 2 mức.
Lấy phiếu tín nhiệm là để đánh giá sự tín nhiệm của các đối tượng được lấy phiếu, nên mới cần 3 mức để phân biệt với việc bỏ phiếu. Khi chuyển sang bỏ phiếu mới là quy định ở 2 mức. Nếu lấy phiếu cũng chỉ quy định 2 mức thì cần gì phải lấy phiếu nữa, chuyển sang bỏ phiếu luôn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc lấy phiếu không nên thực hiện với cơ quan lập pháp, mà chỉ nên tập trung vào cơ quan hành pháp? Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lưu ý đến điều này?
Công tác cán bộ là công tác của Đảng quản lý. Bất kỳ anh làm ở cơ quan hành pháp hay lập pháp cũng chịu sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình quản lý cán bộ. Vì thế, đương nhiên các đồng chí bên lập pháp, hành pháp đều phải được sự đánh giá để Đảng giới thiệu.
Hôm nay có thể giới thiệu anh tham gia vào cơ quan lập pháp, nhưng đến nhiệm kỳ sau có khi lại giới thiệu anh sang hành pháp, đó là chuyện bình thường. Chính sự đánh giá như thế mới giúp cho công tác quy hoạch vào các vị trí hành pháp hay lập pháp.
Vậy mấu chốt nhất của việc sửa Nghị quyết lần này là gì, thưa ông?
Thời gian, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm và đối tượng lấy phiếu là hai cái cơ bản nhất trong lần sửa đổi này.
Khi thảo luận về Nghị quyết 35 sửa đổi vẫn còn nhiều ý kiến khác được đưa ra. Vậy tới đây chúng ta có tiếp tục lấy ý kiến thăm dò đại biểu?
Việc này phải chờ nghe ý kiến các đại biểu thế nào đã rồi Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc đó. Đương nhiên khi Thường vụ trình ra sẽ muốn thông qua theo phương án ấy, vì mình đã qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm rồi và được cử tri đánh giá rất tốt.
Trước nhiều ý kiến đề nghị nên quy trì ở 2 mức tín nhiệm, tới đây khi thông qua Nghị quyết 35 sửa đổi chúng ta có đưa ra các phương án để đại biểu lựa chọn không, hay chỉ biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi (quy định 3 mức) như đã trình?
Về việc này tới đây cũng phải xem mức độ đại biểu ý kiến thế nào thì thường vụ Quốc hội mới quyết định cái đó. Tuy nhiên việc quyết định ở 3 mức tín nhiệm là hợp lý. Chúng ta đã bàn mãi rồi, nhưng chưa thấy phương án nào hay hơn các mức tín nhiệm như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!