3 gam màu tối trong bức tranh TP.HCM năm 2018
Đến những ngày cuối năm 2019 nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn tiếp tục ra Hà Nội khiếu nại. Trong ảnh là khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. |
Vết nhức Thủ Thiêm
Bắt đầu từ việc tìm kiếm “chiếc bản đồ thất lạc”, câu chuyện thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) trở thành tâm điểm của cả nước. Liên tục trong 6 tháng những tin bài về vấn đề này luôn được các cơ quan truyền thông đăng tải dày đặc ở nhiều chiều dư luận.
Trong buổi họp báo ngày 2/5/2018 báo chí đã đề nghị các cơ quan chức năng cho biết về bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Trả lời sau đó Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định “chưa tìm thấy chứ không phải không có”.
Tuy nhiên thông tin này đã bị người dân Thủ Thiêm phải ứng dữ dội. Theo họ, hoàn toàn không có bản đồ quy hoạch này, vì vậy hơn 20 năm qua thành phố đã tổ chức tìm nhiều lần nhưng không hề có.
Liên tiếp trong 4 lần tiếp xúc sau đó với đoàn Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo thành phố, hàng loạt câu hỏi đã được người dân đưa ra, thậm chí có những ý kiến chỉ trích, đòi xử lý hình sự đích danh những cán bộ về hưu và đương nhiệm – những người mà nhân dân Thủ Thiêm cho rằng đã trực tiếp thay đổi quy hoạch của Thủ tướng và ra lệnh cưỡng chế, phá dỡ nhà cửa, đẩy họ ra đường.
Ngày 4/9 Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết luận kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những tưởng điều này sẽ “tháo ngòi nổ” tại dự án, nhưng không – bởi kết luận cho rằng chỉ có 4,3ha nằm ngoài quy hoạch, trong khi người dân khẳng định đáng ra diện tích này còn lớn hơn thế nhiều lần. Đến những ngày cuối cùng của năm 2018 chính quyền thành phố vẫn đang gấp rút chuẩn bị các phương án để người dân lựa chọn.
Người dân dắt xe trên con đường ngập nước sau cơn bão Usagi |
Trận ngập chưa từng có
Ngày 22 tháng 11 Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ dự báo cơn bão số 9 (Usagi) đang hướng tới TP.HCM và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vào ngày 24 - 25/11. Ngay sau đó thành phố triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Ngày 23/11 Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP quyết định phát lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển từ 13h cùng ngày. Một ngày sau đó nhiều trường học trên địa bàn thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học, hơn 4.000 người dân sinh sống tại khu vực nguy hiểm ở Cần Giờ cũng được đưa đến nơi trú ẩn an toàn.
Ngày 26/11 Phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết lượng mưa đo được tại các trạm trong ngày và đêm 25/11 đều ở mức rất cao. Cụ thể, các quận trung tâm có lượng mưa lên tới 301 mm, tại huyện Nhà Bè là 345 mm, huyện Cần Giờ là 293 mm. Đặc biệt tại quận Tân Bình lượng mưa lên tới 407,6 mm.
Đây là những con số chưa từng được ghi nhận trước đây. Lượng nước đổ xuống trong suốt một ngày khiến hơn 60 tuyến đường ngập nặng, hàng ngàn chiếc ô tô chết máy, còn lượng xe máy hỏng hóc không thể thống kê. Đến chiều 26/12 nhiều khu vực vẫn chìm trong nước dù mưa đã dứt gần một ngày.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang xin nghỉ việc ở Ban quản lý đường sắt đô thị. |
Rắc rối tại BQL Đường sắt đô thị
Trưởng ban quản lý 2 lần xin từ chức. Phó ban đi nước ngoài chữa bệnh dù chưa được đồng ý. Dự án chưa được giải ngân hàng ngàn tỷ đồng, hàng chục người nghỉ việc… tất cả điều đó đang đẩy hoạt động của đơn vị này vào tình thế ngặt nghèo nhất kể từ khi thành lập.
Tháng 6/2016 UBND TP.HCM quyết định bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang vào vị trí Trưởng ban – tương đương Giám đốc Sở. Tuy nhiên sau hơn 2 năm công tác, trong những tháng cuối năm 2018 ông Quang đã viết đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên đến nay thành phố chưa có quyết định cuối cùng, do vậy thời gian này ông Quang vẫn đang làm việc bình thường.
Cũng vào những ngày cuối tháng 12, trên mạng xuất hiện thêm thông tin ông Hoàng Như Cương – Phó ban quản lý dự án, Bí thư Đảng ủy cũng đã xuất cảnh ra nước ngoài dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Trước khi đi ông Cương cũng đã kịp viết đơn xin nghỉ việc.
Ngoài ra ông Dương Hữu Hòa - Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý đường sắt đô thị, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên) cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc để “đi chữa bệnh”. Tuy nhiên, do chưa được chấp thuận nên ông Hòa vẫn làm việc bình thường.