23 bác sĩ trẻ tình nguyện về chăm sóc sức khoẻ cho vùng đồng bào DTTS
23 bác sĩ khóa 12 sẽ được đào tạo Chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Răng hàm mặt, Sản, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.
Trước khi trúng tuyển, họ đã được tuyển dụng thành viên chức Bệnh viện Nhi Trung ương và 13 huyện khó khăn: Mù Cang Chải (Yên Bái); Hà Quảng, Quảng Uyên, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thạch An, Hạ Lang (Cao Bằng); Bình Gia, Đình Lập (Lạng Sơn); Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) và Nậm Nhùn (Lai Châu).
Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tại các huyện nghèo như đăng ký. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là ba năm, bác sĩ nữ là hai năm. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế.
Đến nay dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn” (ưu tiên 62 huyện nghèo) đã tổ chức khai giảng 11 khóa (tại các trường đại học: Y Hà Nội, Y- Dược Huế, Y- Dược Hải Phòng) với số lượng 242 bác sĩ. 14 bác sĩ khóa 1 và 2 đã được bàn giao cho 12 huyện nghèo thuộc tám tỉnh miền núi phía bắc.
Kết quả kiểm tra, đánh giá sau bàn giao cho thấy các bác sĩ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo; hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật và tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến.
Theo đánh giá của Bộ Y tế việc tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng kinh tế xã hội khó khăn còn hạn chế, thấp hơn nhiều mức trung bình của cả nước do hệ thống y tế công lập tại các vùng này còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế.
Trong khi đó, những năm qua, một bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y khoa chưa được sử dụng tốt, làm việc trái với nghề đào tạo hoặc chưa tìm được việc làm và có xu hướng tập trung ở lại các thành phố, thị xã; hầu như các bác sĩ mới ra trường không mặn mà với việc trở lại địa phương mình công tác nếu có thì rất ít với nhiều lí do như nơi công tác ở địa phương còn thiếu cơ sở vật chất, không có điều kiện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, một số bác sĩ về quê hương công tác sau một thời gian lại tìm cách chuyển lên tuyến trung ương.
Trong khi đó, ở nông thôn, miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu Bác sỹ, nhưng hàng năm trên cả nước có rất nhiều sinh viên y khoa mới tốt nghiệp ra trường chưa được sử dụng trong các cơ sở y tế công lập.
Để ổn định nguồn nhân lực phục vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt, tiến tới mọi người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế thuận tiện và có chất lượng, ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nguồn bác sĩ tại các cơ sở y tế tuyến dưới như kết hợp quân dân y, đề án 1816, bệnh viện vệ tinh.
Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm về giải pháp, mục tiêu, phương thức tổ chức thực hiện và giải pháp về chính sách hỗ trợ của những giải pháp trên, Bộ Y tế chủ động xây dựng Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" nhằm thu hút bác sỹ trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại tuyến huyện một số địa phương, góp phần bảo đảm tính bền vững trên cơ sở có giải pháp cụ thể về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và chính sách đãi ngộ phù hợp.
Mục tiêu của dự án là đào tạo 300 bác sĩ trẻ nhưng sẽ không dừng ở đó, vì các huyện nghèo vẫn rất cần bác sĩ có chuyên môn cao và đây mới là dự án thí điểm. Dự án có sự hỗ trợ từ tổ chức WB. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nghĩ cách khác, như huy động cộng đồng, thậm chí là đầu tư trực tiếp cho từng bác sĩ về huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số.