2012: Quyết tâm kiểm soát lạm phát ở mức một con số
2012: Quyết tâm kiểm soát lạm phát ở mức một con số
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc kỳ họp |
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội 2005-2010 và năm 2011; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 và năm 2012; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2012; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010, triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011 và các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015; kế hoạch vốn trái phiếu 2011-2015; quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật cơ yếu, Luật lưu trữ, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đo lường, Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13.
Ngoài ra, các đại biểu sẽ cho ý kiến Luật biển Việt Nam, Luật giáo dục đại học, Luật phòng chống rửa tiền, Luật giám định tư pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật giá, Luật quảng cáo, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, và 3 luật sửa đổi là Luật tài nguyên nước, Luật công đoàn, Bộ luật lao động.
Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ 8, thứ 9, Quốc hội khóa XII đến nay; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.
Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và xem xét, quyết định một số vấn đề khác.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận, nghiên cứu báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cũng như công tác đối ngoại của Nhà nước; và tình hình quốc phòng, an ninh. Đồng thời, Quốc hội sẽ dành khoảng 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, điểm nổi bật của năm 2011 là nền kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội về cơ bản đã được bảo đảm ở khu vực nông thôn. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp giảm được khó khăn do tác động của lạm phát; các chính sách an sinh xã hội đã chiếm khoảng 1/3 ngân sách quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe có nhiều tiến bộ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em...Tình hình thất nghiệp ở một bộ phận trong độ tuổi lao động đã giảm nhờ kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội trong thời gian qua.
Chính trị ổn định, quốc phòng an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế nước ta trong quan hệ quốc tế tiếp tục được tăng cường… Các vấn đềbiên giới lãnh thổ đất liền trên biểnvà hải đảo được giải quyết một cách phù hợp theo luật pháp quốc tế
Tuy nhiên kết quả mới đạt được chỉ bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững, nhấttrong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Trong điều kiệm lạm phát tăng cao đời sống nhân dân, nhất là bộ phận người dân nghèo, người thu nhập tháp có nhiều khó khăn. Việc nhiều doanh nghiệp hạn chế hoặc ngừng sản xuất do tăng trưởng kinh tế chậm lại đã ảnh hưởng đến chính sách giải quyết việc làm, số lao động mất việc tăng. Vẫn còn khoảng 5% gia đình có mức sống trung bình. Theo chuẩn nghèo mới, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 14,2%. Năm 2011, chưa đạt chỉ tiêu 1,3%. Tai nạm giao thông chưa có chiều hướng giảm, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được giải quyết...
Quốc hội cũng sẽ nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Sau phần khai mạc, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2011, kế hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và riêng cho năm 2012.
Đánh giá về tình hình kinh tế 2011 với nhiều khó khăn, Chính phủ cho rằng điểm nổi bật là những bất ổn đầu năm đã chuyển biến theo hướng tích cực trong những tháng cuối. Tuy vậy, cơ quan điều hành cho rằng những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định, bền vững, nhất là trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012". Ảnh: Hoàng Hà |
Bước sang năm 2012, Chính phủ xác định mục tiêu trọng tâm vẫn sẽ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Do vậy, cơ quan điều hành cho rằng khẳng định quyết tâm kiểm soát lạm phát ở mức một con số (9 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 16, 63%), GDP 6 - 6,5% (ưu tiên hơn cho phương án 6%), nhập siêu khoảng 11,5 - 12%, bội chi ngân sách khoảng 4,8% GDP và sẽ giảm dần trong những năm sau.
Cũng trong năm 2012, Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn xã hội (cả sản xuất và tiêu dùng) để giảm dần chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Song song với đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn, cơ quan điều hành cũng cho biết sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giữ lãi suất ở mức hợp lý…
Riêng với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ xác định 3 khu vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước (tập trung vào các Tập đoàn, Tống công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng).
Chính phủ dự kiến tiếp tục thực hiện tinh thần của Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công, kiên quyết tập trung vốn cho các công trình dự án cấp thiết, sớm hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Đối với các dự án đang được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nhưng không có nguồn để bố trí tiếp thì chuyển sang các hình thức đầu tư khác hoặc phải tạm đình chỉ.
Thủ tướng khẳng định cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại, rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty. Các doanh nghiệp này sẽ chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính, kiên quyết thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối
Chính phủ cũng sẽ có cơ chế, chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh.
Đối với ngân hàng, Chính phủ chủ trương tái cấu trúc theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao chất lượng tín dụng và phát triển các dịch vụ ngân hàng. Cơ quan điều hành cũng sẽ có cơ chế để những ngân hàng có điều kiện phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Các tổ chức tín dụng hoạt động cũng cần kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Chính phủ kiên quyết khắc phục tình trạng đô la hóa, thiết lập trật tự kỷ cương trong việc sử dụng ngoại tệ, nâng giá trị đồng Việt Nam.
Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2015, bất chấp những khó khăn trước mắt, Chính phủ dự kiến vẫn đặt mục tiêu tăng GDP khoảng 6,5 - 7%. Tuy thấp hơn mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng đề ra (7-7,5%) nhưng so với 2 phương án trình Thường vụ Quốc hội đầu tháng 10, cơ quan điều hành vẫn kiên định chọn mục tiêu cao hơn.
Với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, theo tính toán của Chính phủ, đến năm 2015, quy mô GDP của Việt Nam theo giá thực tế sẽ đạt 4.500 - 4.610 nghìn tỷ đồng (180 - 184 tỷ USD), tương đương 49 - 50 triệu đồng cho mỗi người dân trong một năm.
Để thực hiện mục tiêu này, 3 nhiệm vụ hàng đầu được Chính phủ đề ra là kiềm chế lạm phát - ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu và phát triển các lĩnh vực của nền kinh tế (theo hướng hiện đại hóa nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp). Cùng với đó là nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, tăng cường tiềm lực quốc phòng…
Hà Phương