1.396 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội
|
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm. |
Báo cáo nêu rõ, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước thực trạng nền kinh tế nước ta tuy có mức phát triển nhưng chưa bền vững, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại; giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống liên tục tăng; nợ xấu trong ngân hàng và hàng tồn kho trong doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây bất ổn cho nền kinh tế; đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; vấn đề lợi ích nhóm, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng và những tiêu cực phát sinh trong việc quản lý đất đai, tài sản công chưa được giải quyết kịp thời, triệt để; đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.
“Nóng” về đất đai
Trong những năm qua, trên lĩnh vực đất đai phát sinh nhiều vấn đề phức tạp do một số qui định của pháp luật về đất đai không còn phù hợp; công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém, bất cập, có biểu hiện của “Nhóm lợi ích” cấu kết, trục lợi từ đất đai diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, qui mô khác nhau; việc quy hoạch, sử dụng đất ở nhiều nơi không phù hợp, dẫn đến nhiều dự án treo như: khu công nghiệp, sân gôn, khu đô thị... chiếm nhiều diện tích đất; nhiều nơi thu hồi đất nhưng chậm được sử dụng hoặc để hoang hóa, lãng phí; một số nông, lâm trường quản lý diện tích đất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả trong khi người dân thiếu đất sản xuất; việc giải tỏa, đền bù trong thu hồi đất nhiều nơi thực hiện chưa tốt, phát sinh tiêu cực, chưa đảm bảo lợi ích của người dân. Thực trạng trên đang tác động mạnh đến sự phân hóa giàu nghèo và gây ra những bất ổn cho xã hội; cuộc sống của nhiều người dân bị thu hồi đất gặp nhiều khó khăn; tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai có nhiều diễn biến phức tạp, chiếm tỷ lệ lớn, đến trên 70% trong tổng số các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Cử tri hoan nghênh một số địa phương thời gian qua đã mạnh dạn thu hồi các dự án treo để giao lại đất cho nông dân sản xuất, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo trong việc rà soát và có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để, hiệu quả các dự án treo, đặt biệt là giữ đất canh tác lúa nhằm bảo đảm đảm an ninh lương thực quốc gia.
Tại kỳ họp này, cử tri kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật đất đai cần tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu của toàn dân; đồng thời có những quy định cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất; kiến nghị thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cần dài hạn hơn hiện nay để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Xử lý tham nhũng, lãng phí chưa nghiêm
Cử tri và nhân dân phản ánh, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Cử tri qua theo dõi kiểm toán, thanh tra, thông báo nhiều vụ việc vi phạm, lãng phí nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm và chưa thông báo công khai kết quả xử lý.
Cử tri và nhân dân kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm các qui định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của Tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng v.v…
Cử tri và nhân dân cho rằng, trong khi nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương lại tiêu xài rất lãng phí, chi phí nhiều tiền của cho các lễ hội linh đình, khai trương, đón nhận huân chương, danh hiệu…; có nơi xây dựng trụ sở rất lớn, tốn kém ngân sách mà không sử dụng hết công năng, mua sắm xe cộ, trang thiết bị đắt tiền... Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng cần có các quy định có tính khả thi để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.