13 tấn chất thải thải ra biển mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 17 về ô nhiễm chất thải
Đây là thông tin tại hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển” được tổ chức sáng 12/11. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, một trong những trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đó là vấn đề quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác - nguyên liệu đầu vào trong mô hình này.
Lượng rác thải của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới. Việt Nam cũng là một trong mười nước chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển.
Hội thảo“Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển” |
13 triệu tấn chất thải thải ra biển mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới và thứ 5 châu Á về ô nhiễm chất thải nhựa đại dương, thải ra hơn 500.000 tấn mỗi năm vào đại dương.
Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về quản lý và tái chế chất thải. Lượng chất thải sinh hoạt gia đình được tái chế đã tăng từ 38% vào năm 1975 lên 99% hiện nay và chỉ còn 1% chất thải được chuyển đến các bãi rác. Rất nhiều chất thải được tái chế và sử dụng cho các mục đích khác như khí sinh học và năng lượng. Thụy Điển hiện đã trở thành một nhà nhập khẩu rác thải với trên 2,3 triệu tấn chất thải được nhập khẩu mỗi năm.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Đại sứ Thụy Điển, bà Ann Mawe nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta coi mọi thứ đều là nguồn tài nguyên – rác cũng là tài nguyên. Nền kinh tế tuần hoàn đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những doanh nghiệp đã triển khai mô hình này đang dần minh chứng cho hiệu quả chi phí của việc tái sử dụng tài nguyên so với khai thác mới từ đầu. Từ đó, cắt giảm chi phí sản xuất cũng như hạ giá thành sản phẩm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tôi mong rằng điều này sẽ tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam."
Đại sứ Mawe cũng chia sẻ, nhờ ý thức bảo vệ môi trường của người dân, sự khuyến khích của chính phủ cũng như hệ thống thu gom rác hiệu quả, Thụy Điển đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong “cuộc cách mạng tái chế” hơn hai thập kỷ qua. Tỷ lệ chất thải tái chế của các hộ gia đình tăng từ 38% năm 1975 lên 99% hiện nay. Kinh tế tuần hoàn, hiểu theo cách đơn giản, có nghĩa là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Điều này cũng có nghĩa là phương thức tiêu thụ cũng thay đổi và Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
“Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà Việt Nam đang hướng tới vì mục tiêu phát triển bền vững”, ông nói.
Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam cũng đã có một số mô hình bước đầu tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy hay mô hình vườn – ao – chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi...
Gần đây đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, thách thức đối với Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng; thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tại hội thảo, Tetra Pak - nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển đã chia sẻ hành trình tiến đến nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon của công ty thông qua việc tiên phong trong nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường.
Theo đó, sản phẩm hộp giấy đựng thực phẩm lỏng của hãng được sản xuất từ nguồn rừng tái sinh và có kiểm soát, được dán nhãn chứng nhận bảo vệ rừng FSC. Gần đây nhất, hãng đã bắt đầu thử nghiệm ống hút giấy dùng cho các sản phẩm đồ uống đóng hộp tại châu Âu, trở thành công ty cung cấp giải pháp đóng gói đầu tiên ra mắt ống hút giấy tại châu lục này.