10 sự kiện “nóng” nhất 2015 do Infonet bình chọn
1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ
Lần đầu tiên sau 40 năm chiến tranh, 20 năm bình thường hóa quan hệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời mời thăm Mỹ trong chuyến công du kéo dài 5 ngày, từ ngày 6/7 đến ngày 10/7.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong được đánh giá là đã mở ra chương mới trong lịch sử hợp tác giữa 2 quốc gia, góp phần tạo ra nền tảng đưa quan hệ song phương Việt - Mỹ phát triển trong các thập kỷ tiếp theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại phòng Bầu dục hôm 7/7. |
2. Đại hội Đảng các cấp thành công tốt đẹp
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, Đại hội Đảng bộ các cấp đã thành công tốt đẹp. Từ 15/9 đến 1/11, 63 tỉnh thành trên cả nước đã tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, 61 tỉnh thành đã bầu Bí thư nhiệm kỳ mới; riêng Bí thư Thành ủy TP.HCM và Hà Nội do Trung ương quyết định.
Đại hội Đảng các cấp được đánh giá là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2015-2020 và là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vào cuối tháng 1/2016.
Gần 500 đại biểu về dự khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16. |
3. Tưng bừng diễu binh, diễu hành mừng ngày lễ lớn
Hàng chục nghìn người đại diện cho các lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội, công an, du kích, dân quân, tự vệ), các lực lượng quần chúng và lực lượng trong xã hội như cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ và các dân tộc Việt Nam đã tham gia các cuộc mít tình, diễu binh, diễu hành mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4)…
Tại các buổi diễu binh, diễu hành, hàng trăm nghìn người dân đã mang cờ hoa đổ ra các tuyến đường nơi các đoàn diễu binh, diễu hành đi qua để cùng chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc.
Các hoạt động này một lần nữa khơi dậy niềm tự hào, ý chí độc lập dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Diễu binh, diễu hành mừng Quốc khánh 2/9. |
4. Hội nhập kinh tế quốc tế sôi động
Trong năm, nền kinh tế Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét qua những hiệp định thương mại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế trong thời gian tới bằng việc kết thúc đàm phán 4 hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa tổng số các FTA mà Việt Nam tham gia lên số 14.
Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ ngày 31/12/2015 sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết trong năm 2015 sẽ tạo động lực để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm tới. (Ảnh: Internet) |
5. Hàng loạt trọng án rúng động xã hội
Liên tiếp trong thời gian khoảng 2 tháng giữa năm 2015, hàng loạt các trọng án ở Bình Phước, Nghệ An và Yên Bái… xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn đã gây rúng động xã hội.
Với sự nỗ lực của ngành công an, các nghi phạm đều nhanh chóng bị bắt giữ, đưa ra xét xử và phải chịu tội thích đáng.
Người dân tụ tập trước hiện trường vụ trọng án ở Bình Phước. |
6. “Vỡ trận” kỳ thi THPT
Đó là cụm từ được dư luận và báo chí nhắc nhiều nhất sau khi ngành giáo dục lần đầu tiên tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (kỳ thi được tổ chức trên cơ sở hợp nhất hai kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng).
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia được kỳ vọng sẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và giảm áp lực thi cử ở Việt Nam. Tuy nhiên cách xét tuyển “sai lầm” do Bộ GD&ĐT đưa ra đã khiến số lượng lớn thí sinh phải “quay cuồng” chạy đua để rút, nộp hồ sơ và luôn trong tâm trạng thấp thỏm.
Trong khi đó, phụ huynh học sinh cũng chẳng nhàn hơn. Họ cũng phải cùng con cái chạy đua trong đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển.
Ngày cuối cùng của xét tuyển nguyện vọng một, có phụ huynh và học sinh đã bật khóc… Điều này thực sự khiến nhiều người ngán ngẩm với phương thức “đổi mới” của Bộ GD&ĐT.
Học sinh chen nhau ngày cuối nộp hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: Tiến Dũng) |
7. “Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén được trả tự do
Sau 17 năm ngồi tù oan, niềm vui vỡ òa đã đến với “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén khi Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên ông vô tội ngày 3/12 vừa qua.
Việc TAND tỉnh Bình Thuận cùng với các cơ quan Công an, Viện KSND tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Huỳnh Văn Nén và gia đình sau 17 năm bị cầm tù oan cùng với những vụ oan sai trước đó khiến dư luận đặt câu hỏi về cách điều tra, tuyên án của ngành công an và tòa án hiện nay.
"Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén và thầy giáo của mình sau khi được giải oan. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
8. "Vụ án con ruồi" gây tranh cãi
Việc Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên phạt anh Võ Văn Minh 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản trong vụ chai nước Number 1 có ruồi của công ty Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Number 1 hay Công ty TNHH Number 1; trước đây là Công ty TNHH TM – DV Tân Hiệp Phát) đã bùng lên những dư luận trái chiều.
Nhiều người tỏ ra bất bình vì tòa án đã tuyên phạt mức án như vậy đối với anh Minh và “quay lưng lại” với Công ty Tân Hiệp Phát nhưng cũng có người đồng tình với phán quyết của tòa án và cho rằng anh Minh đáng phải nhận bản án này.
Sau tất cả, "vụ án con ruồi" làm sáng tỏ nhiều vấn đề đối với người tiêu dùng và hiện đang gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông khó cứu vãn đối với công ty Tân Hiệp Phát.
Hình ảnh lan truyền dẫn đến khủng hoảng truyền thông của Tân Hiệp Phát. |
9. Lụt lịch sử ở Quảng Ninh
Có thể nói chưa bao giờ người dân Quảng Ninh phải đối mặt với ngập lụt lớn như trận lụt trong tháng 7/2015.
Trận lụt này còn được cho là lớn hơn trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008 khi mưa lớn liên tiếp trong các ngày từ 26-28/7 đã làm nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ 18 bị ngập sâu, nhiều căn nhà ở thành phố Hạ Long bị sập, 23 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tình trạng lũ quét, sạt lở đất khiến cho nhiều người thiệt mạng, nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi…. khiến tỉnh Quảng Ninh phải mất nhiều thời gian sau đó để khắc phục.
Cảnh ngập lụt kinh hoàng ở Quảng Ninh hồi tháng 7 vừa qua. (Ảnh: Phạm Duy) |
10. Nóng vội thay thế cây xanh ở Hà Nội
Do không hỏi ý kiến các nhà khoa học, cộng đồng cư dân nơi chịu tác động cũng như chưa làm rõ tiêu chí, số lượng cây có nguy cơ đổ, khô chết, sâu mục trong đề án thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phải nhận trách nhiệm người đứng đầu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng bị kiểm điểm, nhiều cá nhân khác bị cách chức, buộc thôi việc.
Vụ việc nóng vội thay thế cây xanh ở Hà Nội trong năm 2015 đã gây ra một hiệu ứng truyền thông không tốt đối với chính quyền thủ đô.
Những cây xanh được thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanhphải mất từ 10-15 năm mới có bóng mát. (Ảnh: Tiến Dũng) |