1 tỷ/suất sửa điểm ở Sơn La: Phần mềm chấm thi có lỗ hổng "chết người" vẫn dùng?
Đây là chia sẻ của ĐB Phạm Thị Minh Hiền bên hành lang Quốc hội về thông tin giá nâng điểm 1 tỷ đồng cho một học sinh trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La.
1 tỷ đồng quá rẻ cho tương lai thí sinh
Chia sẻ với phóng viên Infonet về cảm xúc khi tiếp nhận thông tin con số 1 tỷ đồng/suất chạy điểm, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho biết, “trước khi đặt vào cảm xúc của dư luận, tôi đặt mình vào cảm xúc của những thí sinh và gia đình thí sinh có số điểm xứng đáng nhưng lại bị tước đi cơ hội thì thấy rằng không sốc. Mà chỉ là sự uất nghẹn vì thật sự họ đã rất nỗ lực, phấn đấu không chỉ một mình thí sinh mà cả gia đình cùng định hướng, nỗ lực cùng các em trong suốt quá trình học tập để hướng đến mục tiêu nhưng vì những con người có mục đích xấu trong giáo dục đã tước đi cơ hội của các em”.
ĐB Phạm Thị Minh Hiền |
Bởi theo Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tính toán “nếu tính ra, 1 tỷ đồng chia cho cả êkip người mua, người bán, và người được thụ hưởng cũng đồng nghĩa với việc một tỷ đồng đó chia cho nhân cách, đạo đức, danh dự, nhân phẩm thậm chí cả tương lai của một thí sinh hoặc cả e kip là quá rẻ. Nó chỉ đắt khi sự việc đã bị phát hiện, đó là cái giá phải trả quá đắt”.
“Qua sự việc này, chúng ta phải thấy được một sự thật, đồng tiền đã làm tha hóa, như là một hệ thống để rồi chúng ta phải đặt ra câu hỏi và tìm ra giải pháp. Tha hóa thực ra chỉ là cái ngọn”, ĐB Hiền bày tỏ.
Vừa qua, dư luận mới chỉ tập trung xem xét trách nhiệm của người đứng đầu,trách nhiệm các phụ huynh học sinh và cách xử lý đối với các thí sinh nhưng theo ĐB Hiền “ chưa ai nhắc tới mấu chốt vấn đề”.
“Tôi được biết, ngân hàng câu hỏi, và phần mềm chấm thi được xem như là bí mật quốc gia nhưng vì đâu, cách làm như thế nào mà người ta bỏ đồng tiền ra mua quá sức dễ dàng như vậy? Bí mật quốc gia đâu phải mua bằng tiền, nhưng người ta đã mua được. Mấu chốt vấn đề ở chỗ đó, tại sao chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật này. Thứ hai là vấn đề chấm thi, tại sao phần mềm chấm thi có lỗ hổng “chết người” như thế mà vẫn có thể đưa vào sử dụng. Vấn đề đặt ra phần mềm này có được đánh giá chất lượng trước khi đưa vào sử dụng hay chưa?.
Rõ ràng, vấn đề không phải từ người mua, người thụ hưởng mà khâu “bán” - là một e kip, một hệ thống. Tại sao không nhìn vào vấn đề đó?. Sự dễ dãi, quản lý lỏng lẻo, chủ quan và có thể vì lợi ích của một nhóm người nào đó đã tiếp tay cho những hành vi tiếp theo. Sự tha hóa, vơ vét đến tận cùng mà không nhìn thấy hệ quả của bao lớp thế hệ học sinh đang, đã phải gánh chịu. Giáo dục là tri thức của một quốc gia, tương lai đất nước sẽ đi về đâu?”, ĐB Minh Hiền đặt câu hỏi.
Quyền lợi song hành với trách nhiệm
Không nói đến số tiền cụ thể bởi, theo ĐB Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng “có thể con số đó là dư luận đưa ra nên cần có sự xác minh của cơ quan chức năng”.
Nhưng, mục tiêu của bất cứ một kỳ thi nào, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) quốc gia gắn với việc xét tuyển đầu vào Đại học, Cao đẳng phải đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan, trung thực.
“Những sai sót trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2017 - 2018 không được phép diễn ra đối với kỳ thi năm nay. Yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia phải công bằng, chính xác, khách quan và phải đảm bảo niềm tin của dư luận xã hội và người dân”, đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
ĐB Phạm Tất Thắng |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2017 - 2018 đã có những sự cố mà báo chí, dư luận xã hội quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cũng đã nhìn nhận và đề ra những giải pháp khắc phục.
"Những giải pháp kỹ thuật đã được tính đến, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của những người trực tiếp làm công tác coi thi, chấm thi… phải nâng cao ý thức để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”, đại biểu Phạm Tất Thắng nói.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sự cố và hậu quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2017 - 2018 ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang để lại hết sức nặng nề. Đây là bài học cho cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, cũng như những người làm công tác này.
Thẳng thắn mổ xẻ nguyên nhân xảy ra một loạt những sự cố trong ngành giáo dục vừa qua, ĐB Phạm Tất Thắng cho rằng “giáo dục là một bộ phận của xã hội với đội ngũ viên chức, lực lượng trong ngành giáo dục là chủ yếu. Ngành giáo dục là ngành đặc thù đòi hỏi xã hội, mỗi người trong ngành kể cả người làm công tác quản lý hay giảng dạy đều phải đề cao đạo đức nghề nghiệp bởi vì công việc của ho có trách nhiệm tạo ra thế hệ công dân, lực lượng lao động cho tương lai”.
“Giáo viên là một bộ phận trong xã hội. Xã hội chúng ta thì việc tốt, những hành động đẹp phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội là cơ bản, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những hạt sạn, vi phạm, lệch chuẩn ở trong một bộ phận, trong một nhóm nhất định xã hội, một nhóm không đáp ứng được yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên.
Ngành giáo dục phải có giải pháp để có thể tuyển dụng những người phù hợp nhất với yêu cầu công việc của mình, tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần có điều kiện cần thiết để tôn vinh những người làm công tác giáo dục, có điều cần thiết để tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Quyền lợi luôn đi song hành với trách nhiệm, khi chúng ta tạo những điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên thì chúng ta có quyền yêu cầu cao hơn với những người được hưởng quyền lợi đó để đáp ứng nhu cầu của xã hội”, ĐB Phạm Tất Thắng bày tỏ.
Liên quan đến vụ việc, ngày 28/5, Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La đã đánh giá, kết luận việc kiểm tra, xử lý kỷ luật đối với 8 cán bộ, đảng viên bị khởi tố do có sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La. Theo đó, 8 cán bộ, đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng gồm: ông Trần Xuân Yến – Đảng viên, Phó Giám đốc Sở GDĐT; bà Nguyễn Thị Hồng Nga – Đảng viên, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT; ông Đặng Hữu Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La; bà Cầm Thị Bun Sọn - Ủy viên BCH Đảng bộ Sở, Phó trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GDĐT; ông Lò Văn Huynh - Ủy viên BCH Đảng bộ Sở, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT; ông Đinh Hải Sơn – Đảng viên Chi bộ Tổ 11 thuộc Đảng bộ phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, cựu thiếu tá thuộc Công an tỉnh Sơn La; ông Đỗ Khắc Hưng – Đảng viên chi bộ Tổ 2 thuộc đảng bộ phường Chiềng An, thành phố Sơn La, cựu Trung tá thuộc Công an tỉnh Sơn La. Nội dung vi phạm của 8 đảng viên nêu trên được xác định là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”; vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm. Những vi phạm trên của 8 cá nhân được đánh giá là rất nghiêm trọng. Trước đó, theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất tới 26,55 điểm (tổng 3 môn), tức là đã được nâng trung bình khoảng 9 điểm/môn. |