Y án sơ thẩm với nguyên nhà báo Hoàng Khương
Như Infonet đã đưa tin, chiều ngày 27/12, TAND tối cao TP.HCM đã tiếp tục xét xử phiên phúc thẩm vụ án đưa, nhận hối lộ để giải cứu xe vi phạm giao thông xảy ra trong tháng 4/2011, trong đó có sự tham gia của nguyên nhà báo Hoàng Khương (tên thật Nguyễn Văn Khương), báo Tuổi trẻ.
Trong buổi chiều, vụ án đã bước vào phần tranh luận sau phần thẩm vấn các bị cáo vào buổi sáng. Mở đầu cuộc tranh luận, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, căn cứ vào các lời khai bị cáo tại tòa đều phù hợp nhau, cùng những chứng cứ của vụ án cũng làm rõ các vấn đề liên quan, phiên xử sơ thẩm hoàn toàn đúng căn cứ pháp luật và đề nghị tòa phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên án sơ thẩm.
Hoàng Khương sau phiên xử buổi sáng |
Tranh luận tại phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài, bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Văn Khương, bên cạnh đồng ý một số điều mà bản án sơ thẩm đưa ra còn bổ sung thêm các tình tiết vụ án.
Theo luật sư, bản án sơ thẩm chỉ công nhận bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”, phản ánh việc Huỳnh Minh Đức nhận hối lộ 3 triệu để đưa xe đầu kéo ra cho Trần Anh Tuấn là có công, không liên quan gì đến bài 2. Tuy nhiên, ở đây rõ ràng khi phát hiện Huỳnh Minh Đức có thể lo được vụ giải cứu xe đua, Hoàng Khương mới tiến hành tiếp tục điều tra bài 2, như vậy rõ ràng 2 bài có liên quan với nhau. Ngoài ra, nếu Hoàng Khương nhận thức chủ quan tiến hành hối lộ đến cùng để giải cứu chiếc xe đua, thì việc gì phải đăng lên báo để ảnh hưởng đến anh em của mình.
Bên cạnh đó, bản án sơ thẩm đã không ghi nhận gì về ý kiến từ ban biên tập báo Tuổi trẻ, mà theo như ông Lê Xuân Trung, Ủy viên Ban biên tập, Tổng thư ký tòa soạn, phát biểu tại tòa phúc thẩm thì ban biên tập khẳng định Hoàng Khương không vì mục đích cá nhân, việc Hoàng Khương không báo cáo cho ban biên tập việc dùng tiền đưa cho bị cáo Huỳnh Minh Đức chỉ là sai phạm nghiệp vụ.
Ban biên tập cũng nhận trách nhiệm khi trong quá trình rà soát các bài viết để đăng chưa xem kỹ các vấn đề, cũng đã tiến hành kiểm điểm những người liên quan. Ngoài ra, khi Hoàng Khương thực hiện các bài báo chưa có một quy định nào của Hội nhà báo, cũng như báo Tuổi trẻ về ranh giới và giới hạn của phóng viên khi nhập vai thực hiện các bài viết điều tra.
Hoàng Khương trao đổi với luật sư Phan Trung Hoài trong lúc tòa nghị án |
Điều này cũng thể hiện trong văn bản của Hội nhà báo TP.HCM khi gửi đến tòa phúc thẩm, đồng thời trong văn bản này cũng đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại việc đó nhằm giảm nhẹ tình tiết vi phạm cho Hoàng Khương. Theo luật sư Hoài, đây là hai tình tiết mới mong hội đồng xét xử xem xét và miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, vì đây là lỗi nghiệp vụ khi tác nghiệp.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát một lần nữa cho rằng đây là hành vi không phải tác nghiệp, mà có động cơ cá nhân khi bị cáo Nguyễn Văn Khương đã lợi dụng vai trò cá nhân và quyền lực báo chí để bảo vệ lợi ích cho người thân, điều này đã được thể hiện trong lời khai của các bị cáo liên quan, cũng như đoạn băng ghi âm có những lời lẽ không phù hợp được tòa đưa ra trong quá trình thẩm vấn bị cáo.
Đồng ý với đại diện Viện kiểm sát, ông Quảng Đức Tuyên, chủ tọa phiên tòa cho rằng cả 2 câu hỏi mà tòa hỏi bị cáo Khương là việc không báo cáo việc đưa tiền cho Huỳnh Minh Đức và đưa hồ sơ không đủ điều kiện cho bị cáo này (chỉ bao gồm biên bản và tiền) là đúng hay sai, bị cáo Khương đã nhận sai.
Chị Nguyễn Hoàng Anh, vợ Hoàng Khương ngóng chồng từ phía ngoài khi nghe tin tòa giữ y án sơ thẩm |
Bên cạnh đó, việc giúp cho đối tượng đua xe chuyên nghiệp là Trần Minh Hòa, gây nguy hiểm cho xã hội là việc làm không đúng. Ngoài ra, việc ông Lê Xuân Trung, đại diện ban biên tập báo Tuổi trẻ cũng khẳng định nếu bị cáo Khương đưa 2 đoạn ghi âm mà cơ quan điều tra thu được ra sẽ xem xét dừng việc đăng bài viết cũng cho thấy rằng bị cáo có sai sót.
Một số câu mà bị cáo Nguyễn Văn Khương nói trong đoạn băng ghi âm mà theo lời ông Lê Xuân Trung là không phù hợp với một phóng viên như khuyên Hòa và Đông Anh không đua xe chỗ này thì đua xe chỗ khác…
Điều đó khẳng định, bị cáo đã từ tác nghiệp báo chí, chuyển sang lợi dụng nghề nghiệp phục vụ động cơ cá nhân, lợi dụng chủ trương đúng đắn của ban biên tập nhưng lại dùng sức mạnh của phóng viên báo chí kết hợp giải quyết vấn đề cá nhân, đây là hành động không chấp nhận được.
Các bị cáo được dẫn giải ra xe sau phiên xử |
Chủ tọa khẳng định, việc bị cáo Nguyễn Văn Khương chủ động tìm cò giao thông, cùng Tôn Thất Hòa giao tiền cho Huỳnh Minh Đức để lấy xe ra khi hồ sơ không đủ điều kiện, điều này đối chiếu hành vi quy định trong điều 289 BLHS, cấu thành tội hối lộ và bản án sơ thẩm tuyên là chính xác. Chính vì thế, tòa quyết định giữ nguyên y án sơ thẩm với bị cáo Nguyên Văn Khương là 4 năm tù giam, kể từ ngày bắt giam và tiến hành bắt giữ ngay tại tòa.
Các bị cáo còn lại theo tòa, cấp sơ thẩm đã xử lý rất chính xác vì thế tòa cũng không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên y án sơ thẩm. Theo đó, Huỳnh Minh Đức bị phạt 5 năm tù, Nguyễn Đức Đông Anh 4 năm tù, Trần Anh Tuấn 1 năm tù, riêng Trần Minh Hòa còn phạm thêm tội cướp giật bị xử trong tháng 12/2012 vừa qua, nên tổng cộng cả 2 mức án là 8 năm tù.
Trong lời nói cuối cùng của mình tại tòa, nguyên nhà báo Hoàng Khương bên cạnh cảm ơn TAND tối cao TPHCM đã tạo điều kiện trở về đưa tiễn mẹ về nơi cuối cùng, cùng các đồng nghiệp đã quan tâm, chia sẻ trong quá trình diễn ra vụ án. Nguyên nhà báo Hoàng Khương còn mong hội đồng xét xử cần có cái nhìn cảm thông và chia sẻ cho nghề nghiệp báo chí của mình bởi đây là nghề nguy hiểm và nhiều rủi ro và anh nói câu cuối: “Dù bản án như thế nào đi nữa thì tôi vẫn không hổ thẹn với lương tâm mình và có thể ngẩng cao đầu với những việc mình đã làm”.