Xử vụ đường ống nước sông Đà ngày thứ 3: Kết luận giám định đóng dấu mật?
Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc Vinaconex đã đặt câu hỏi tới điều tra viên xung quanh kết luận giám định.
Theo luật sư Triển, có 2 bản kết luận giám định, trong đó có Công văn số 107 nằm trong hồ sơ vụ án. Bản giám định này đóng dấu mật. Luật sư đề nghị điều tra viên cho biết hiện vụ án đã xét xử công khai, vậy văn bản đóng dấu mật này đã được giải mật chưa?
Các bị cáo trước tòa. |
Thiếu tá Nguyễn Văn Trung, điều tra viên cao cấp Bộ Công an cho hay, ông tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu, quá trình điều tra, sau khi đường ống nước sông Đà tiếp tục vỡ, cơ quan công an đã ra ban hành 2 quyết định trưng cầu giám định gửi Bộ Xây dựng.
Theo điều tra viên, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý chuyên môn cao nhất trong ngành xây dựng. Vì vậy, để làm rõ vụ án, nguyên nhân vỡ, chất lượng…. cơ quan điều tra đã gửi hồ sơ, phối hợp với cơ quan giám định này trong quá trình thực hiện giám định.
Điều tra viên cho rằng đây là vụ án có tính đặc thù, công trình đang sử dụng, không thể dừng cấp nước nên cơ quan điều tra phải phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan giám định, các đơn vị liên quan để xác định rõ nguyên nhân. Từ thời điểm trưng cầu đến khi đưa ra kết luận lần thứ nhất là 8 tháng. Sau đó, cơ quan điều tra nhận thấy còn một số vấn đề cần làm rõ nên ban hành quyết định trưng cầu giám định bổ sung gửi Bộ Xây dựng.
“Bộ Xây dựng đã có văn bản số 107 trả lời, trên văn bản thể thức văn bản không ban hành kết luận giám định nhưng nội dung văn bản trả lời 6 ý kiến trưng cầu giám định của cơ quan điều tra, trên văn bản thể hiện đóng dấu mật, tôi đã làm việc với đơn vị ban hành văn bản và người ta chịu trách nhiệm với việc ban hành quyết định này”, điều tra viên nói trước Tòa.
Luật sư Triển tiếp tục đặt câu hỏi tới điều tra viên: Văn bản đã đóng dấu mật thì có văn bản giải mật chưa? Điều tra viên vẫn khẳng định: Cơ quan ban hành trả lời thể thức văn bản có đóng dấu mật và chịu trách nhiệm…
Luật sư Trần Đình Triển bày tỏ quan điểm ông chưa thấy có văn bản giải mật trong hồ sơ nên sẽ làm rõ về việc này.
Cũng trong phiên tòa sáng nay, các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo cùng đại diện Vinaconex.
Trả lời câu hỏi của luật sư, theo bị cáo Đỗ Đình Trì, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam - Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội, khi tham gia vào dự án với vai trò giám sát, bị cáo đã có 26 năm làm việc trong ngành cấp thoát nước, tham gia nhiều công trình cấp thoát nước Hà Nội. Vì vậy, việc tư vấn giám sát phải tuân thủ đúng Luật Xây dựng lúc đó.
Là đồng nghiệp của bị cáo Trì, bị cáo Nguyễn Biên Hùng, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội cho biết, trong quá trình làm việc không giữ chức vụ gì quan trọng, chỉ làm kỹ sư và không tham gia vào Ban lãnh đạo của công ty.
Với vai trò là kỹ sư giám sát trong dự án này, bị cáo Hùng khẳng định khi phát hiện ra lỗi của các ống, bị cáo đã tuân theo hướng dẫn của Ban quản lý, của thiết kế. Với địa điểm giám sát, với những lỗi có thể quan sát được bằng mắt thường, bị cáo Hùng khẳng định đều báo cáo lại với Ban quản lý và nhà thầu. Do đó, bị cáo Hùng cho rằng bản thân không có tội khi mọi công việc đều làm theo hợp đồng, đã tuân thủ theo hợp đồng, theo Luật Xây dựng và đúng pháp luật.
Vị đại diện Vinaconex gọi vụ án là một “tai nạn” và đề nghị HĐXX xem xét cho thấu tình đạt lý cho các bị cáo.
Phiên tòa xét xử kết thúc phần xét hỏi và phiên buổi chiều chuyển sang phần tranh luận.