Xử vụ “bầu” Kiên: HĐXX nhắc luật sư không trình bày dài dòng
Luật sư Hoàng Đôn Hùng |
Sáng nay 3 luật sư đã tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Nhiều ý kiến của luật sư trùng lặp, khá dài dòng nên không ít lần chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính nhắc luật sư tập trung vào phần bào chữa, tránh trùng lặp, những vấn đề mà luật sư khác đã bào chữa thì luật sư khác không nhắc lại.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng tiếp tục bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên về cố ý làm trái. Luật sư Hùng cho rằng, Thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ACB có buổi họp vào ngày 2/11/2009 thống nhất cấp hạn mức 700 tỷ cho hợp đồng đầu tư của ngân hàng ACB để mua cổ phiếu có giá tốt, tính thanh khoản cao, ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện. Nhằm thực hiện kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng ABC, vì lợi ích của cổ đông, phù hợp pháp luật, quyết định này cũng nằm trong nhiều quyết định khác của HĐQT về cho vay đầu tư.
Kết luật của HĐQT không ra chủ trương cấp tín dụng cho Cty TNHH chứng khoán ACB để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB, điều này thể hiện rõ trong thông báo số 4478 ngày 5/11/2009
Mối quan hệ đầu tư giữa Cty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) và Cty cổ phần đầu tư Á Châu (ACI), Cty đầu tư Á Châu Hà Nội (ACI - HN) là hợp đồng hợp tác phù hợp quy định, nhằm hợp tác đầu tư chứng khoán tốt, có khả năng sinh lời, là hoạt động kinh doanh bình thường.
Theo hợp đồng, Cty ACBS xác nhận tại phiên tòa thì các loại chứng khoán hình thành từ hợp đồng hợp tác do Cty ACI và Cty ACI HN đứng tên sở hữu và thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông, Cty ACBS không sở hữu cổ phiếu mà chỉ được hưởng lợi ích. Trong tài liệu vụ án và tại tòa chính vị đại diện kiểm toán độc lập cho Cty ACB, Cty ACBS cũng khẳng định không nhận thấy hợp đồng bất hợp pháp, không có yêu cầu nào chấm dứt hợp tác giữa 3 bên, mà chỉ lưu ý Cty ACBS nên xem xét thận trọng các giao dịch.
Luật sư cho rằng một bên là mối quan hệ giữa Ngân hàng ACB và Ngân hàng Vietbank, Ngân hàng Kienlongbank, mối quan hệ này theo đúng quy định với các khoản tiền gửi tiền vay liên ngân hàng. Vietbank chịu trách nhiệm trả nợ liên ngân hàng cho ACB cho đến khi đến hạn theo đúng quy định, ngân hành Vietbank có khả năng trả nợ bình thường.
"Bầu" Kiên tại phiên tòa sáng nay |
Mối quan hệ mua bán trái phiếu giữa Vietbank, Kienlongbank với Cty ACBS, Cty ACI và Cty ACI HN, ngân hàng Vietbank mua trái phiếu theo đúng quy định, có kiểm soát các yếu tố rủi ro thanh khoản, lãi suất, đây là cơ hội đầu tư trái phiếu tốt. Ngân hàng Vietbank với các Cty của ngân hàng ACB là các đối tác lâu năm. Việc ngân hàng ACB xem xét hỗ trợ vốn liên ngân hàng cho 2 ngân hàng Vietbank, Kienlongbank là hoạt động hỗ trợ bình thường. Đại diện 2 ngân hàng cũng xác định họ có nhiều nguồn vốn để sử dụng trong quá trình hoạt động của mình chứ không chỉ có riêng ngân hàng ACB có nhiều nguồn vốn.
Luật sư Hùng cho rằng, việc gia hạn trái phiếu là bình thường, trái phiếu đều có đảm bảo, Cty ACI, Cty ACI HN đều có khả năng trả nợ ngay. Trong mối quan hệ liên ngân hàng giữa Ngân hàng ACB và Ngân hàng Vietbank, dư nợ 1.139 tỷ, trong mối quan hệ mua bán trái phiếu, Cty ACI còn dư nợ tại ngân hàng Vietbank.
Luật sư cho rằng trong mối quan hệ kinh doanh này đã không có thiệt hại xảy ra, cổ phiếu Ngân hàng ACB đã được thanh lý tất toán từ tháng 6/2010, toàn bộ các khoản thu lỗ từ việc mua cổ phiếu ACB đều do Cty ACI và Cty ACI HN chịu trách nhiệm. Cty ACI và ACI HN cũng xác nhận không nợ nần gì Ngân hàng ACB và Cty ACBS liên quan đến việc mua cổ phiếu.
Các báo cáo của Ngân hàng ACB, Cty ACBS đều không ghi nhận khoản lỗ nào, toàn bộ tài sản của Ngân hàng ACB và Cty ACBS còn nguyên và hiện tại vẫn sử dụng, hưởng lợi từ tài sản này.
"Tài sản mà đại diện VKS cho rằng đã mất thì vẫn còn tồn tại sờ sờ. Việc chênh lệch giữa mua bán trái phiếu và vay liên ngân hàng là chuyện bình thường, theo nguyên tắc rủi ro cao thì lãi suất cao và ngược lại phụ thuộc tình hình từng thời điểm chi phí mua trái phiếu và liên ngân hàng khác nhau", luật sư Hùng nói.
Đối với hành vi ủy thác gửi tiền vào Ngân hàng VietinBank, luật sư Hùng cho rằng, việc này phù hợp của nghị quyết HDQT ngân hàng ACB vào ngày 22/3/2010, phù hợp với quy định pháp luật.
Nghị quyết do thường trực HĐQT Ngân hàng ACB không sai so với Điều 72 luật tổ chức tín dụng và quy định điều lệ của Ngân hàng ACB. Nội dung này được Ngân hàng nhà nước (NHNN) nêu rõ tại công văn số 30. Trong phần luận tội ngày 27/5, đại diện VKS nêu tại thời điểm Ngân hàng ACB thống nhất chủ trương ủy thác là trái với đối tượng nhận ủy thác được quy định tại Điều 2 của Luật tổ chức tín dụng ban hành kèm quyết định 742 ngày 17/7/2002 của thống đốc NHNN, Như vậy kết luận này không phù hợp với ý kiến của NHNN tại công văn số 350 cũng như ý kiến của đại diện NHNN tại tòa. Quyết định 742 chỉ điều chỉnh hoạt động ủy thác cho vay của tổ chức tín dụng chứ không điều chỉnh toàn bộ các hoạt động ủy thác. Cáo trạng cũng không xác định ông Kiên và các bị các khác nguyên thường trực HĐQT vi phạm Quyết định (QĐ) 742.
"Như vậy chúng tôi không hiểu tại sao các bị cáo lại bị ràng buộc vi phạm thêm QĐ 742. Chúng tôi khẳng định quyết định ngày 22/3/2010 của ACB là đúng quy định pháp luật tại thời điểm ban hành" - luật sư Hùng nói.
"Việc ủy thác gửi tiền của ACB không vi phạm Điều 106 luật các tổ chức tín dụng 2010. Tại Điều106 cụm từ “Theo quy định của NHNN” không đồng nghĩa với cụm từ chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của NHNN. Công văn 350 của NHNN giải thích: Theo quy định của NHNN được hiểu là chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của NHNN là không có căn cứ pháp lý", luật sư Hùng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoạt động ủy thác gửi tiền không cấm. NHNN đã cho phép ACB thực hiện nghiệp vụ ủy thác theo quy định ngân hàng. Thông tư 04 của NHNN, năm 2011- 2012 không có quy định nào về nghiệp vụ ủy thác, trừ ủy thác cho vay.
Tại tòa, đại diện NHNN cũng xác nhận công văn 350 của NHNN chỉ mang tính tham khảo sau ngày 1/1/2011 khi chưa có hướng dẫn NHNN và chưa phù hợp Điều 106. Chưa phù hợp không có nghĩa là vi phạm pháp luật.
Đại diện NHNN đã đưa ra nội dung mới là ủy thác của ACB vi phạm Điều 90 luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng ACB không được thực hiện ủy thác theo quy định là mâu thuẫn với công văn 350, ACB được quyền ủy thác liên quan đến hoạt động ngân hàng. "Với tình tiết này phải chăng NHNN đang lúng túng không biết ACB vi phạm điều nào?" - luật sư Hùng đặt câu hỏi.
Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, trước 5 năm ban hành luật các tổ chức tín dụng 2010.
Từ trước đến nay ACB đều nhất quán khẳng định việc gửi tiền tại VietinBank là thật, được ký kết với VietinBank, VietinBank đã hạch toán số tiền này là tài sản của mình nên VietinBank phải có trách nhiệm. ACB yêu cầu VietinBank phải trả toàn bộ gốc và lãi vì đã ký và chuyển hợp đồng cho VietinBank. Trong 718 tỷ đồng có hơn 533 tỷ đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (cán bộ Vietinbank) cùng nhiều cá nhân giả chữ ký, lập hồ sơ vay giả, vay tiền VietinBank. Thực chất Như chiếm đoạt tiền của VietinBank chứ không phải của ACB.
Trong vụ án Huyền Như, tòa phải xác định Như có phải trả tiền cho ACB không. Trong vụ án bầu Kiên, phải xác định việc gửi tiền có trái pháp luật không, hậu quả là bao nhiêu.
Vụ án này được xác định là đại án tham nhũng là không đúng. Kiên và 2 cá nhân khác bị truy tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,… không hề có 1 hành vi nào liên quan đến tham nhũng, bị cáo Kiên và nguyên lãnh đạo ACB đều không có mục đích tham nhũng. Luật sư Hùng kiến nghị HĐXX tuyên án ông Kiên vô tội.
11h35’ Tòa tạm nghỉ, 14h HĐXX tiếp tục làm việc.