Xử vụ “bầu” Kiên: ACB không yêu cầu ai bồi thường 688 tỷ đồng?
Luật sư Trương Thanh Đức |
Tại tòa, luật sư Trương Thanh Đức bảo vệ quyền và lợi ích của Ngân hàng ACB (ACB) cho rằng: "Ngân hàng ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này, vì chúng tôi khẳng định không thiệt hại 688 tỷ đồng. Còn về khoản 718 tỷ đồng Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tại Vietinbank bị Huyền Như chiếm đoạt chúng tôi đang khởi kiện".
Theo luật sư Đức, Cty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) không đầu tư vào cổ phiếu ACB, cuộc họp giao ban của HĐQT chỉ bàn về việc đầu tư vào cổ phiếu. ACB không yêu cầu ai phải bồi thường thiệt hại 688 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu này, pháp luật không thể cứ bắt ACB phải nhận thiệt hại và nhận bồi thường. Đối với việc xác định ACB thiệt hại 718 tỷ đồng, luật sư cho rằng ACB không làm trái quy định ủy thác, gửi tiền, không dính dáng, liên quan gì đến quyết định 742 mà Viện kiểm sát viện dẫn để quy kết sai phạm xảy ra ở ACB.
Luật sư Đức cho rằng, Ngân hàng Vietinbank phải trả lại số tiền 718 tỷ đồng (Huyền Như - cán bộ ngân hàng Vietinbank đã chiếm đoạt) cho ACB. Trong các tài liệu cho thấy số tiền của ACB được gửi vào Vietinbank với 32 hợp đồng tiền gửi là cụ thể, thật 100% chứ không phải hợp đồng nguyên tắc.
Giao dịch giữa nhân viên Ngân hàng ACB và Ngân hàng Vietinbank là có thật, tiền thật, gửi thật, đương nhiên ngân hàng Vietinbank phải trả lại tiền, có nhận có trả, không phải vì lý do sai sót này khác mà chối bỏ trách nhiệm. Việc gửi tiền vào Vietinbank của nhân viên ACB không sai, không sơ hở.
Các lời khai của Huyền Như tại tòa thật về nội dung và hình thức, chỉ giả về bản chất cho thấy chị ta chiếm đoạt số tiền của nhân viên Ngân hàng ACB. Đại diện Vietinbank tại tòa cũng cho thấy, quy trình ký 32 hồ sơ là hợp lệ, không có sự gian dối, ngoại trừ không có trong hợp đồng, mọi thứ sai phạm chỉ xảy ra khi ký hợp đồng, chuyển tiền.
Ngân hàng Vietinbank phải trả tiền cho Ngân hàng ACB khi mà ngân hàng này đã ký hợp đồng với nhân viên ACB như việc ký với hàng nghìn khách hàng khác.
Luật sư Đức cũng cho rằng, Vietinbank có nhiều sai phạm trong quản lý, để mất tiền của khách hàng nên buộc phải trả lại cho các bị hại, việc Huyền Như chiếm đoạt là dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt chính số tiền của Ngân hàng Vietinbank.
Luật sư Đức không đồng tình với cáo trạng về việc sai sót của Ngân hàng ACB, ông Đức cho rằng sai sót của ACB chỉ là thứ yếu không phải là nguyên nhân để ngân hàng mất số tiền 718 tỷ đồng.
Khi thẩm phán Nguyễn Hữu Chính tuyên bố tạm nghỉ giải lao, bị cáo Nguyễn Đức Kiên giơ tay xin phát biểu: “Tôi xin có ý kiến ạ” nhưng HĐXX đã nghỉ.
Infonet tiếp tục thông tin về phiên tòa...
Theo cáo trạng, ngày 2/11/2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB thống nhất và ban hành chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo trực tiếp đầu tư. Thực hiện chủ trương của Thường trực HĐQT, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Hội đồng đầu tư Công ty chứng khoán ACB (ACBS) thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái với quy định tại Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ - BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính. Hành vi của các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB tổng số tiền gần 688 tỷ đồng.