Xử tiếp kỳ án thắng bạc 55 triệu USD tại khách sạn Sheraton
Nguyên đơn của vụ kiện là ông Ly Sam (51 tuổi), Việt kiều Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam và là hội viên của CLB Palazzo (kinh doanh dịch đánh bạc trên máy tại trong khách sạn Sheraton, TP.HCM) từ năm 2005. Ngày 25/10/2009, ông đến CLB tham gia trò chơi Landlord ở máy 13. Sau nhiều lần chơi thua, ông được máy báo số tiền thắng trên màn hình là 55.422.567 USD và lập tức báo quản lý CLB. Lãnh đạo Công ty TNHH Ewarton, đơn vị quản lý CLB Palazzo, sau đó từ chối trả số tiền trên với lý do máy bị hỏng nên báo nhầm. Ông Ly Sam chụp ảnh màn hình có số tiền trúng thưởng, lập biên bản, mời những người chứng kiến cùng ký rồi rời khách sạn. Sau nhiều lần liên hệ đòi tiền thưởng bất thành, ông nộp đơn khởi kiện ra TAND Q.1, TP.HCM.
Trò chơi Landlord mà ông Ly Sam được báo trúng hơn 55 triệu USD (ảnh mang tính minh họa). |
Bị đơn trong vụ án là Công ty Liên danh Đại Dương, chủ đầu tư khách sạn Sheraton Sài Gòn và nhóm liên đới trách nhiệm là Công ty TNHH tư vấn Ewarton. Đơn vị quản lý CLB Palazzo khẳng định máy bị lỗi vì số tiền hơn 55 triệu USD chỉ hiển thị trên đồng hồ điểm tín dụng (Credit Meter), tức là phần vốn của ông Ly Sam. Trong khi nếu trúng thưởng, số tiền này phải hiển thị trên đồng hồ thắng cược (Win Meter).
Ông Ly Sam không đồng tình với cách lý giải của CLB và khẳng định mình đã trúng thưởng. Vì khi ông vào CLB chơi thì máy 13 vẫn hoạt động bình thường, không có dấu hiệu gì cho thấy hư hỏng. Ông nạp 300 USD vào tài khoản để chơi nhiều lần, mỗi lần 5 USD. Sau nhiều lần chơi thua, ông bất ngờ thấy máy báo thắng hơn 55 triệu USD. Việc số tiền chạy từ ô Win (thắng cược) sang ô Credit (vốn) là do ông bấm nút chơi tiếp nên nó tự động chuyển sang phần vốn. Lần chơi thêm này ông bị thua, máy trừ 5 USD trong tài khoản.
Để chứng minh máy 13 có sự cố, các bị đơn đã gửi bo mạch của máy cho nhà sản xuất và công ty kiểm định nước ngoài để giám định. Kết quả giám định cho thấy số tiền trúng thưởng tối đa của trò chơi trên máy 13 chỉ là 46.000 USD. Tuy nhiên, theo ông Ly Sam, công ty không tiến hành niêm phong máy, tự ý gỡ bo mạch của máy đưa ra nước ngoài giám định mà không có sự chứng kiến của nguyên đơn hay sự giám sát của bất cứ cơ quan chức năng nào khác, nên kết quả không đảm bảo cơ sở, không khách quan. Nguyên đơn cho rằng phía bị đơn đã không tuân thủ trình tự tố tụng và đã gửi đơn khiếu nại lên tòa án.
Sau gần 3 năm nghiên cứu hồ sơ, vụ án được đưa ra xét xử ngày 26/6. Tuy nhiên, phiên tòa bị hoãn vì đơn vị giữ quyền công tố xin thêm thời gian nghiên cứu. Thẩm phán Mai Xuân Bình, Chánh án TAND Q.1, cho biết đây là một vụ án quá lớn, phức tạp và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Để xét xử công bằng, tòa đã phải làm thủ tục ủy thác tư pháp quốc tế, nhờ các cơ quan tư pháp nước ngoài có kinh nghiệm giúp đỡ.
Cả nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định mình đúng và sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc. “Ông Ly Sam đã nộp hơn nửa tỷ đồng án phí và mất nhiều năm theo đuổi vụ kiện. Chúng tôi tin sẽ có một phán quyết công bằng”, đại diện của ông Ly Sam nói.
Ái Kim