Xử phúc thẩm vụ Phạm Công Danh: Triệu tập 39 người, nhiều "đại gia" vắng mặt
Ngày 12/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 17 đồng phạm.
Phiên toà được mở do bị cáo Phạm Công Danh và Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc VNCB) kháng cáo về mặt dân sự, 12 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, 4 bị cáo bị kháng nghị tăng hình phạt.
Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức khác có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo về mặt dân sự như ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB, tiền thân là Trustbank).
Sau bản án hình sự sơ thẩm, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cũng đã có quyết định kháng nghị một phần bản án về hình phạt đối với 4 bị cáo và thu hồi tài sản đối với khoản tiền 4.500 tỷ đồng.
Nhiều đại gia vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm vụ Phạm Công Danh và 27 đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng. |
Để làm rõ nhiều tình tiết của vụ án, tại phiên phúc thẩm này, Hội đồng xét xử đã triệu tập 39 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có các đại gia như ông Trần Quí Thanh và con gái Trần Thị Ngọc Bích, bà Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cấp cao của TrustBank), bà Quách Thị Kim Chi (vợ ông Danh), ông Phạm Công Trung (em trai ông Danh)… Tuy vậy, những người này không có mặt tại toà nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Theo Chủ tọa phiên toà, việc những người có quyền và nghĩa vụ liên quan không có mặt tại toà sẽ không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì đã có người đại diện theo pháp luật hoặc luật sư. Dự kiến phiên toà sẽ kéo dài đến ngày 25/12.
Theo bản án sơ thẩm, trong giai đoạn 2013 – 2014, để giải quyết khó khăn về tài chính nhưng không thể tự mình vay tiền của VNCB, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai và thuộc cấp vay hơn 6.100 tỷ đồng của Sacombank, BIDV và TPBank. Tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại 3 ngân hàng này dùng để bảo lãnh cho 29 công ty “ma” do Danh lập hoặc mượn.
Cụ thể, bị cáo Phạm Công Danh đã vay tại Sacombank 1.800 tỷ đồng, tại BIDV 4.700 tỷ đồng và TPBank 1.666 tỷ đồng. Trong đó, thương vụ vay tiền của ông Danh tại Sacombank có sự tiếp tay của ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang.
Do 29 công ty của ông Danh không trả được nợ nên 3 ngân hàng nói trên đã thu hồi tiền tương ứng do VNCB gửi. Điều này đã làm cho VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Tại phiên toà sơ thẩm vào tháng 8/2018, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh 20 năm tù, ông Trầm Bê 4 năm tù, 44 bị cáo còn lại lãnh các mức án từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 10 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, hội đồng xét xử tuyên thu hồi nhiều tỷ đồng có nguồn gốc là tang vật của vụ án, gồm hơn 1.600 tỷ đồng của BIDV, hơn 200 tỉ đồng của Sacombank, 3,1 tỷ đồng của TPBank, hơn 194 tỷ đồng của ông Trần Quí Thanh, 600 tỷ đồng của bà Hứa Thị Phấn….
Trong giai đoạn 1 của vụ án, ông Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”.
Về mặt dân sự, ông Danh và đồng phạm bị buộc phải bồi thường 9.000 tỷ đồng.