Xử phạt hành vi quấy rối tình dục nơi công sở: Khó thực hiện
Đây là ý kiến của Luật sư Phạm Quốc Thanh - Văn phòng luật sư Quốc Thái xung quanh câu chuyện xử phạt hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng. Phóng viên Báo Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư xung quanh câu chuyện này.
Bộ Luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 có 4 điều đề cập đến quấy rối tình dục bao gồm: Quy định nghiêm cấm “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (điều 8), Quy định “người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục” có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 37).
Sau khi luật được thực thi nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn khá chung chung khi không có định nghĩa cụ thể “thế nào là quấy rối tình dục?” mới đây Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ quy tắc này được coi là nguồn tài liệu tham khảo, hướng dẫn cách ứng xử tại nơi làm việc để các doanh nghiệp nghiên cứu đưa vào áp dụng. Xin luật sư cho biết, Bộ Quy tắc ứng xử này đã đủ cụ thể để có thể áp dụng trong thực tế?
Luật sư Phạm Quốc Thanh: Bộ Quy tắc Ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã công bố ngày 25/5/2016.
Bộ quy tắc nêu rõ quấy rối tình dục tại nơi làm việc định nghĩa rất rõ, Quấy rối tình dục là: Là hành vi tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không được mong muốn, không hợp lý, xúc phạm người nhận, tạo môi trường đáng sợ, khó chịu và thù địch.
Theo Bộ quy tắc, các hình thức quấy rối tình dục gồm: hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm. Hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục. Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm.
Bộ quy tắc được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Nơi làm việc ngoài những địa điểm cụ thể nơi thực hiện công việc như văn phòng hay nhà máy, còn là những địa điểm khác có liên quan đến công việc như các cuộc hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, các bữa ăn liên quan đến công việc..
Theo tôi Bộ Quy tắc xử ứng đã định nghĩa rất rõ thế nào là hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc, các hình thức và phạm vi áp dụng rất cụ thể, người lao động hoàn toàn có thể đọc hiểu một cách dễ dàng, nó khuyến nghị những việc làm của họ có thể bị coi là hành vi quấy rối tình dục, mặt khác Bộ quy tắc đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người lao động, người sử dụng lao động, công đoàn, thanh tra lao động ...làm thế nào để phòng ngừa hành vi quấy rối tình dục, tuyên truyền , giáo dục, cách thức xử lý khi diễn ra sự việc.
Hiện chưa có một hình phạt cụ thể nào dành cho hành vi quấy rối tình dục mà chỉ có những tội danh cụ thể như hiếp dâm, cưỡng dâm. Liệu với việc công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc như trên theo luật sư có giúp người bị quấy rối tình dục khởi kiện được hay không?
Luật sư Phạm Quốc Thanh: Trong Bộ quy tắc ứng xử có nêu một số hành vi như: tấn công tình dục, cưỡng dâm… nếu các hành vi đó đủ yếu tố cấu thành các tội hiếp dâm, cưỡng dâm, làm nhục người khác thì người thực hiện hành vi trái pháp luật đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn những hành vi khác chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi đó tùy thuộc vào tính chất mức độ, vị trí công tác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính
Theo Luật sư thì việc thực thi điều luật này theo luật sư sẽ gặp những vướng mắc gì?
Luật sư Phạm Quốc Thanh: Khi thực thi các quy định trong Bộ quy tắc ứng xử nêu trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Vì thực tế một số người lao động, người sử dụng lao động, đại diện công đoàn không nhận thức được một cách đúng đắn, chính xác thế nào là quấy rối tình dục, có sự nhầm lẫn giữa quấy rối tình dục và trêu đùa. Mặt khác, tâm lý e ngại, lo sợ bị trả thù làm người bị quấy rối không dám đứng lên tố cáo. Trên thực tế, là nạn nhân thường không được bênh vực mà trái lại thường bị nghi ngờ, chê bai bởi bạn bè, đồng nghiệp, vợ, chồng, cha mẹ… cho họ là người thiếu đứng đắn.
Trong quá trình hành nghề, luật sư đã gặp trường hợp nào như này chưa? Luật sư có lời khuyên gì dành cho người lao động nếu chẳng may bị quấy rối tình dục?
Luật sư Phạm Quốc Thanh: Trên thực tế cuộc sống và khi hành nghề tôi biết có rất nhiều nạn nhân của quấy rối tình dục đã phải chuyển nơi làm việc nhiều lần, bị trầm cảm, stress không biết chia sẻ cùng ai vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ bị trả thù khi tố cáo họ ít được bảo vệ và bênh vực mà trái lại thường bị nghi ngờ, chê trách bởi bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ và những người xung quanh. Theo tôi người bị quấy rối nên mạnh dạn tố cáo những hành vi trái pháp luật nếu bị quấy rối, những người có hành vi trái pháp luật phải bị trừng trị, tạo tiền đề cho môi trường lao động trong sạch.
Luật sư có kiến nghị gì để bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc thiết thực, đi vào cuộc sống của người lao động hơn?
Luật sư Phạm Quốc Thanh: Theo tôi cần quy định cụ thể hơn ở phần Hành vi quấy rối phi lời nói: ngôn ngữ cơ thể phi lời nói, nháy mắt phô bày tài liệu khiêu dâm… vì những hành vi này dễ bị nhầm lẫn với hành vi trêu ghẹo trong công sở, nơi làm việc. Mặt khác Bộ quy tắc có thể bổ sung một số chế tài cụ thể hơn nhằm nâng cao tính răn đe, giáo dục.
Xin cảm ơn luật sư.