Xử đại án 9000 tỷ: Vay tiền BIDV để tăng vốn cho NH Xây dựng
Bị cáo Phạm Công Danh |
Tăng vốn điều lệ 20 lần sau 10 năm
Có mặt tại phiên tòa, bà Quách Kim Chi (vợ ông Danh) cho biết công ty Thiên Thanh được thành lập năm 2000 với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, 10 năm sau số vốn này đã tăng lên thành 1.000 tỷ, trong đó ông Danh góp 80% (tương đương 800 tỷ), 20% còn lại là do bà Chi góp.
Cũng theo bà Chi thì đây là công ty của gia đình nên ông Danh là người làm các loại hồ sơ, do đó bà không biết trong số 1.000 tỷ đó có bao nhiêu là tiền, bao nhiêu là tài sản, hay tài sản gồm những gì.
Trong khi đó ông Danh cho biết trong số này có cả tiền và tài sản, tuy nhiên do thời gian quá lâu và sức khỏe không tốt nên bị cáo không thể nhớ chi tiết. Vì vậy bị cáo Danh đề nghị HĐXX cho mình gặp luật sư trước khi trả lời vấn đề này.
Trước đó trả lời luật sư Lê Văn Đức (người bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Quyết – nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang, đang bị quy kết cho công ty IDICO – công ty con của tập đoàn Thiên Thanh vay tiền nhưng đến nay không thể thu hồi) bị cáo Danh cho biết mình sẵn sàng dùng tài sản của IDICO (khách sạn Sơn Trà) để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên với tài sản của tập đoàn Thiên Thanh thì bị cáo cho biết đây là tài sản chung của hai vợ chồng, trong khi đến nay bị cáo vẫn chưa rõ đâu là của mình, đâu là của vợ nên đề nghị HĐXX xem xét theo hướng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về bị cáo.
Về phần mình, bà Chi mong muốn HĐXX xử theo đúng quy định của pháp luật, còn với những trường hợp cụ thể bà xin được bàn bạc lại với ông Danh để tìm hướng giải quyết.
Khung cảnh phiên tòa |
Tiền tăng vốn điều lệ cho VNCB chủ yếu vay của BIDV
Liên quan đến số tiền 4.500 tỷ mà VNCB nộp vào ngân hàng nhà nước để tăng vốn điều lệ, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho biết số tiền này được vay từ ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Cũng theo bị cáo Mai, sau khi đề án tái cơ cấu được duyệt, số tiền nói trên đã được rút ra và hòa chung vào hệ thống VNCB vào tháng 1/2014. “Số tiền này được sử dụng chung cho hoạt động của ngân hàng” – bị cáo Mai nói.
Ngoài ra bị cáo Mai còn cho biết sau đó VNCB đã trả cho BIDV khoảng 2.600 tỷ, trong đó đa phần được đảm bảo bằng các bất động sản (bao gồm cả khu đất tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng).
Bị cáo khẳng định các khu đất có giá trị cao hơn 2.600 tỷ, do đó nó hoàn toàn đủ để cân đối với khoản vay của BIDV (dù Hội đồng định giá trong vụ án xác định chỉ khoảng 2.600 tỷ, nhưng có đơn vị định giá độc lập cho rằng các lô đất này phải có giá 6.000 tỷ).
Các nhân viên tín dụng kêu oan
Tại phiên làm việc buổi chiều các luật sư bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho những bị cáo nguyên là nhân viên của VNCB đang bị truy tố về tội “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đã có những câu hỏi để tìm hiểu vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của các luật sư, các nhân viên tín dụng tại chi nhánh cho rằng mình bị oan bởi đã làm đúng quy trình cho vay vốn, và đã chuyển hồ sơ lên hội sở đề nghị xét duyệt (vì hạn mức tín dụng vượt thẩm quyền của chi nhánh tại thời điểm đó – 40 tỷ).
Trong khi đó các nhân viên tín dụng tại hội sở cũng kêu oan vì cho rằng họ chỉ có trách nhiệm tái thẩm định trên hồ sơ, còn việc thẩm định trực tiếp là của các chi nhánh.
Ngày mai phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi