Xét xử vụ Huyền Như: VKS đưa ra một số điểm khác biệt Tòa sơ thẩm
ACB, Navibank phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái
Cụ thể, đối với trường hợp của Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Nam Việt (Navibank), đại diện VKS cho rằng các nhân viên chỉ là người đứng tên về mặt hình thức, bản thân họ cũng biết việc ACB ủy thác cho họ gửi tiền vào Vietinbank là bất hợp pháp nhưng vẫn làm, do đó tiền gửi của hai ngân hàng này tại Vietinbank là bất hợp pháp.
Bị cáo Huyền Như tại tòa sáng nay 24/12. |
Theo VKS, ACB và Navibank là ngân hàng thương mại biết rõ các quy định cấm về ủy thác nhưng vẫn làm. Trong khi các ngân hàng này vì động cơ, lợi ích cá nhân nên đã không theo dõi, kiểm tra tài khoản thường xuyên. “Đây là lỗi đã giúp bị cáo Như chiếm đoạt số tiền này” – đại diện VKS nói.
Cũng theo VKS thì ACB và Navibank đã vi phạm các chính sách tiền tệ của nhà nước, do đó phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình và trong trường hợp của hai ngân hàng này Vietinbank không có lỗi.
“Do đó án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Như trả lại tiền cho ACB và Navibank là đúng, bởi vậy không có căn cứ để xem xét kháng cáo của hai ngân hàng này” – đại diện VKS kết luận.
(* ACB đã ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi 718 tỷ. Navibank ủy thác cho 4 nhân viên đi gửi 200 tỷ)
Xác định tư cách tham gia tố tụng
VKS cho rằng kháng cáo của 5 công ty (Chứng khoán Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên, Saigon bank Berjaya, Bảo hiểm toàn cầu) yêu cầu xác định lại tư cách nguyên đơn dân sự là có cơ sở xem xét.
VKS xác định tài khoản của những công ty này mở tại Vietinbank là tài khoản hợp lệ. Bên cạnh đó tiền của các công ty trên cũng đã được chuyển vào tài khoản thanh toán ở Vietinbank và đã được ngân hàng này hoạch toán trong sổ sách.
Theo quan điểm của VKS, điều này đã xác định quan hệ “gửi – giữ”. Trong đó bên gửi tiền là 5 công ty và bên giữ tiền là Vietinbank. Do đó Vietinbank phải có trách nhiệm đối với số tiền này, trong trường hợp tiền bị mất.
VKS cho rằng bị cáo Như chỉ chiếm đoạt sau khi tiền đã vào tài khoản của Vietinbank, như vậy 5 công ty không có lỗi trong việc này. Việc bị cáo Như chiếm đoạt được là do lỗi của Vietinbank.
Theo VKS, Vietinbank là đơn vị quản lý nên phải có trách nhiệm bồi thường cho 5 công ty. VKS xác định, trong trường hợp này Vietinbank mới là bên bị hại, do đó Vietinbank phải yêu cầu bị cáo Như bồi thường tiền. Như vậy Vietinbank phải là nguyên đơn dân sự còn 5 công ty chỉ có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Cũng tại phần này VKS đã đưa ra những lập luận cho thấy bị cáo Như là người có chức vụ quyền hạn, và việc Như chiếm đoạt số tiền của 5 công ty trên được thực hiện trong thời điểm này. Do đó VKS cho rằng hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, sử dụng các con dấu, chữ ký giả để chiếm đoạt tài sản có thể truy tố với tội danh “tham ô tài sản”.
Từ các lập luận trên, VKS cho rằng HĐXX sơ thẩm đã xác định sai tư cách tố tụng của các bên liên quan.
(Cụ thể số tiền thiệt hại của 5 công ty như sau: Chứng khoán Phương Đông: 380 tỷ; An Lộc: 170 tỷ; Hưng Yên: 200 tỷ; Saigon bank Berjaya: 210 tỷ; Bảo hiểm toàn cầu: 125 tỷ; Tổng cộng: 1085 tỷ)