Xét xử vụ Huyền Như: Các đương sự muốn giải tỏa kê biên hàng chục tỷ
Ngày 23/12 HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn các đương sự về đề nghị giải tỏa các tài sản bị cơ quan chức năng kê biên trong quá trình điều tra vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Nguyễn Duy Quang, chồng bị cáo Nguyễn Thị Lành (án sơ thẩm tuyên 9 năm tù) đề nghị HĐXX tuyên loại hai sổ tiết kiệm trị giá 5,9 tỷ đồng do ông đứng tên ra khỏi số tài sản bị kê biên đối với bị cáo Lành.
Ông Quang cho rằng vào thời điểm đó ông và bị cáo Lành vẫn còn là vợ chồng nhưng ông không tham gia, và cũng không hưởng bất kỳ lợi nhuận nào khi bị cáo Lành cho Như vay nặng lãi. Ông khẳng định 5,9 tỷ đồng nói trên là số tiền ông tiết kiệm được trong quá trình làm việc từ năm 1978 nhưng không đưa ra được các tài liệu chứng minh.
Cũng tại phần này, bà Nguyễn Thị Kim Bình, cháu gái của bị cáo Nguyễn Thiên Lý (án sơ thẩm tuyên 2 năm tù) cũng đề nghị HĐXX bỏ kê biên đối với sổ tiết kiệm trị giá 19 tỷ đồng do bà Bình đứng tên. Theo bà Bình, đây là cuốn sổ được hình thành từ tiền gửi của mẹ bà. Trước khi bị kê biên cuốn sổ đang được gửi tại nhà bị cáo Lý.
Trong khi đó luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đại diện cho bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, vợ bị cáo Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương (án sơ thẩm tuyên 14 năm tù) trình bày rằng, căn nhà tại đường Thạch Thị Thanh (quận 1) là tài sản đứng tên chung hai vợ chồng. Việc cơ quan điều tra kê biên căn nhà đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bà Diệp, hạn chế quyền sử dụng của bà trong khi đây là nguồn thu nhập để nuôi ba đứa con. Do đó bà Diệp đề nghị HĐXX xem xét.
Về phần mình bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (án sơ thẩm tuyên 12 năm tù) cũng đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên đối với 7 bất động sản mà Như đã dùng để thế chấp khi vay tiền. Bị cáo Dung cho rằng Như có ghi tên những bất động sản này vào giấy khi vay nợ.
Kết quả thẩm vấn cho thấy Huyền Như đã nhiều lần vay "tín dụng đen" với lãi suất "cắt cổ". |
Gốc gần 8.000 tỷ, trả lãi hơn 1.000 tỷ
Số tiền khổng lồ trên được đại diện VKS công bố theo lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Lành tại cơ quan điều tra.
Trước số tiền 150 tỷ thu lợi bất chính được bản án sơ thẩm tuyên, HĐXX tòa phúc thẩm đã đặt câu hỏi cho bị cáo Lành: Tại sao không kháng cáo mà chấp nhận con số này?
Trả lời HĐXX, Lành cho rằng sở dĩ không kháng cáo vì biết rằng Như không còn khả năng trả nợ. Khi đại diện VKS hỏi Lành về tổng số tiền cho vay và số tiền Như trả thì bị cáo nói không nhớ.
Sau đó VKS đã công bố lời khai: Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2012 Lành đã cho Như vay 268 món với tổng số tiền gốc là 7.841 tỷ, sau đó như đã trả cho bị cáo 9.028 tỷ, phần chênh lệch là 1.186 tỷ.
HĐXX cho rằng theo quy định thì số tiền chênh lệnh phải tịch thu để sung công quỹ. “Con số chênh lệch quá lớn (so với 150 tỷ bản án sơ thẩm đã tuyên) nên bị cáo không kháng cáo phải không?” – HĐXX đặt câu hỏi với Lành.
Trả lời HĐXX, bị cáo Lành cho rằng trong con số này còn có 850 tỷ Huyền Như vay bị cáo. Tuy vậy Chủ tọa cho rằng, ngay cả khi lấy 150 + với 850 thì vẫn không bằng 1.186!.
Ngày 24/12 phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.