Xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng tội Tham ô tài sản tại PVP Land từ 24/1
Có 8 bị cáo bị đưa ra xét xử lần này gồm: Trịnh Xuân Thanh (SN 1966 tại Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC). Các bị cáo còn lại gồm: Đinh Mạnh Thắng (SN 1962 tại Nam Định), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (em trai ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV); Đào Duy Phong (SN 1958 tại Thái Bình), nguyên Chủ tịch HĐQT PVPLand; Nguyễn Ngọc Sinh (SN 1972 tại Hà Nội), nguyên TGĐ PVP Land; Thái Kiều Hương (SN 1973 tại Hà Nội), nguyên Phó TGĐ CTCP Đầu tư Việt Nam; Lê Hòa Bình (SN 1954 tại Vĩnh Phúc), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1/5, CTCP Minh Ngân; Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1969 tại Thái Bình), nguyên Kế toán trưởng CTCP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 và CTCP Minh Ngân; và Huỳnh Quốc Duy (SN 1972 tại TP. HCM), kinh doanh tự do.
Theo Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo việc chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí (do PVC sở hữu) tại CTCP Xuyên Thái Bình Dương thấp hơn giá trị nhằm chiếm đoạt 87 tỷ đồng. Đây thực chất là số tiền chênh lệch giá trị mua bán lô đất 9.584 m2 tại dự án Nam Đàn Plaza, đường Phạm Hùng, Hà Nội (34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực 52 triệu đồng/m2).
Hai bị can Đinh Mạnh Thắng (trái) và Trịnh Xuân Thanh. |
Tính đến ngày 27/12/2017, trong tổng số tiền bị các bị can chiếm đoạt đến nay đã thu hồi được:
13,465 tỷ đồng từ gia đình của Đặng Sỹ Hùng khắc phục hậu quả (Đặng Sỹ Hùng đã chết nên Viện KSND Tối cao đã ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Hùng); 10 tỷ đồng của Đào Duy Phong;
1,250 tỷ đồng do những người liên quan đến Huỳnh Nguyễn Quốc Duy nộp để khắc phục hậu quả số tiền 11 tỷ đồng Duy được Lê Hòa Bình chi cho tiền môi giới. Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ 01 xe ô tô Audi A4 của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy được định giá 67.000 USD;
Trong số tiền 49 tỷ đồng các bị can chiếm đoạt được, có 14 tỷ đồng bị Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt và 5 tỷ đồng bị Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt, đã được Thanh và Thắng hoàn trả, chuyển lại cho Thái Kiều Hương; sau đó được chuyển thành tiền Lê Hòa Bình thanh toán tiền mua cổ phần cho Công ty Vietsan, VKS đề nghị thu hồi vì là tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt.
Trong quá trình điều tra, ngày 31/5/2011, PVP Land và Lê Hòa Bình có văn bản thỏa thuận hủy bỏ một phần Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN. Theo đó, PVP Land đã nhận lại quyền sở hữu 5.817.600 cổ phần, tương ứng số tiền 91.972.000.000 đồng (48% giá trị hợp đồng) mà công ty Minh Ngân chưa thanh toán. Công ty Minh Ngân còn sở hữu 6.302.400 cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, tương ứng số tiền 100 tỷ đồng đã thanh toán cho PVP Land. Số 5.817.600 cổ phần mà PVP Land nhận lại, hiện CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông (PVP Land trước đây) đang sở hữu.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành trưng cầu giám định viên Bộ Tài chính để giám định về thiệt hại của PVP Land. Theo kết luận giám định ngày 15/8/2011 của Giám định viên Bộ Tài chính, với giá trị chuyển nhượng cổ phần theo hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN, so với giá chuyển nhượng trong Hợp đồng đặt cọc thì PVP Land đã bị thiệt hại 87 tỷ đồng. Với việc PVP Land đã nhân lại quyền sở hữu 5.817.600 cổ phần thì đối với 6.302.400 cổ phần đã chuyển nhượng với giá theo hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN, so với giá chuyển nhượng trong Hợp đồng đặt cọc, PVP Land bị thiệt hại 45,240 tỷ đồng.