Xe tải cán vào đinh làm chết 3 người: Hình phạt nào cho “đinh tặc"?
Các báo đưa tin, chiều 7/3, một chiếc xe tải chở đầy hàng đông lạnh chạy từ TP.HCM đi Bình Phước, với tốc độ khá cao thì bị nổ lốp trước. Tài xế không làm chủ được tay lái, tông thẳng vào xe đầu kéo nằm bên trái lề đường, làm 3 người trên ca bin trong đó có lái xe tử vong ngay tại chỗ, còn ca bin xe biến dạng nát vụn. Nguyên nhân nổ lốp được cơ quan chức năng nhận định là do cán phải đinh trên đường.
Minh họa đinh tặc |
Đây là câu chuyện đau lòng mà người có nhận thức và lương tâm đều có thể nhận biết được trước. Ấy vậy mà, chỉ vì vài đồng từ chuyện vá lốp người ta có thể đầy những người lưu thông trên đường vào chỗ chết.
Trao đổi với Infonet, Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia Đình cho rằng: “Rải đinh để xe cán nổ lốp để thu lợi bất chính là việc làm không những trái pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, trái với lương tâm và đạo đức con người. Hành vi này đáng bị xã hội lên án và pháp luật cần nghiêm minh với những người có những hành vi này”.
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng về vấn đề này.
Từ những câu chuyện đau lòng liên quan đến xe bị cán đinh, như vụ TNGT làm chết 3 người mới diễn ra, luật sư có suy nghĩ gì?
Theo tôi việc rải đinh để xe cán nổ lốp để thu lợi bất chính là việc làm không những trái pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, trái với lương tâm và đạo đức con người. Hành vi này đáng bị xã hội lên án và pháp luật cần nghiêm minh với những người có những hành vi này. Hành vi này để lại ảnh hưởng xấu cho dư luận và xã hội và có nhiều trường hợp gây hậu quả chết người, gây thương tích và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng con người. Xã hội sẽ khó chấp nhận cách kinh doanh vô đạo đức và trái pháp luật, kiếm tiền trên nỗi đau của người khác như vậy.
Theo luật sư, hành vi rải đinh sẽ bị xử phạt thế nào?
Hiện nay, hành vi rải đinh tặc được quy định tại điều 203 BLHS Tội cản trở giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;
b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;
c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;
d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;
đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;
e) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;
g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;
h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Theo như điều luật này thì phải có hậu quả xảy ra mới xử lý hình sự được. Đây là điều kiện cho các kẻ phạm tội lợi dụng sự sơ hở của pháp luật để phạm tội. Điều này cũng thể hiện sự chưa nghiêm minh, có tính răn đe đối với loại tội phạm này.
Việc xử phạt như vậy có sức răn đe hay không, thưa luật sư?
Theo như điều luật này thì phải có hậu quả xảy ra, tức gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác mới xử lý hình sự được. Đây là điều kiện cho các kẻ phạm tội lợi dụng sự sơ hở của pháp luật để phạm tội. Điều này cũng thể hiện sự chưa nghiêm minh, chưa có tính răn đe đối với loại tội phạm này nên tạo cơ hội cho nhiều kẻ “đinh tặc” ngang nhiên rải đinh tặc nhiều nơi mà bất chấp hậu quả xảy ra.
Có ý kiến cho rằng, cần phải xử tội giết người với hành vi rải đinh, luật sư nghĩ sao?
Theo tôi cần phải xử lý nghiêm và tăng khung hình phạt đối với loại tội phạm này. Không nhất thiết phải có hậu quả xảy ra mới xử lý hình sự mà nếu có hành vi rải đinh đều phải nghiêm minh xử lý. Đối với loại tội phạm này khung hình phạt phải tương đương hành vi cố ý gây thương hay hành vi vô ý làm chết người...
Theo luật sư nên làm thế nào để tình trạng này không còn nữa?
Theo tôi trước tiên cần xử lý nghiêm khắc những “đinh tặc” này về hành vi vi phạm. Những loại tội phạm này nên xét xử lưu động nhằm tuyên truyền pháp luật. Cần tăng mức hình phạt đối với loại tội phạm này về hình phạt tù cũng như phạt tiền. Cần có 1 điều luật cụ thể điều chỉnh về hành hành vi rải đinh và vật nhọn để tạo tính nghiêm minh và răn đe đối với loại tội phạm này, cần phổ biến pháp luật và tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật đến nhân dân và đặc biệt cần tăng vai trò và trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành tại các địa phương về việc giám sát, theo dõi về các hành vi vi phạm khi có sự khiếu nại, phản ánh của người dân.
Xin cảm ơn luật sư!