Xã hội càng phát triển, tính tàn độc, sự tinh vi của tội phạm càng cao hơn
Những vụ án này, nạn nhân bị giết là cả gia đình, có cả những đứa trẻ ngây thơ vô tội. Có những người già, phụ nữ không một tấc sắt. Cách hạ thủ hèn hạ, tàn độc, có vụ lập mưu tinh vi, sau khi giết lạnh lùng như không có chuyện gì… Vậy nguyên nhân vì sao có hiện tượng này? Làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
Hình ảnh đau sót thảm sát tại Yên Bái (ảnh VTC) |
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa PV Infonet và Cựu thẩm phán - Luật sư Phạm Công Út. Ông Phạm Công Út đã có nhiều năm làm thẩm phán tại Tp Hồ Chí Minh, hiện giờ ông là Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp HCM).
Thưa ông, chắc ông sẽ rất quan tâm đến thông tin về những vụ thảm sát gần đây như Bình Phước, Nghệ An, giờ là Yên Bái. Ông có suy nghĩ, bình luận gì về tần suất xuất hiện của những vụ thảm sát như thế này?
Theo tôi, khi xã hội càng phát triển, sự phân hóa xã hội càng rõ rệt, thì tội phạm sẽ càng bùng phát như một tất yếu. Tính tàn độc của tội phạm sẽ cao hơn, sự chuẩn bị tinh vi của những những tội ác cũng nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn, đòi hỏi việc trị an của luật pháp phải cao hơn, quyết liệt hơn để trấn áp những loại tội phạm. Nhất là những tội ác mang tính bạo lực tàn độc nhằm giết người để trả thù, thủ phạm không chỉ giết chết một người mà giết chết cả gia đình, không từ phụ nữ, trẻ em, người già.
Ví dụ, cùng thời điểm này cách đây 10 năm thì số lượng án hình sự của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát hay tòa án ở trong nước chắc chắn thụ lý ít hơn hiện nay. Hoặc 20 năm, 30 năm trước đây thì số lượng án hình sự được thụ lý lại càng ít hơn nữa. Điều đó là một minh chứng cho thấy, việc phát triển xã hội hoặc phát triển không đồng đều trên các mặt văn hóa, kinh tế, xã hội… là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ thảm sát ở nhiều địa phương có nguồn gốc vì tiền, vì tình, hoặc vì các xung đột mâu thuẩn từ quan hệ xã hội, quan hệ gia đình…
Hung thủ vụ thảm án tại Bình Phước |
Phải chăng tội phạm bây giờ tàn độc hơn, máu lạnh và manh động hơn?
Ngoài sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, thì những cơn bùng nổ về phương tiện truyền thông hay công nghệ thông tin ngày nay cũng là một phần tương tác với sự phát triển của tội phạm. Có những người từ nhỏ đến lớn từng không dám… cắt cổ gà, nhưng khi xung đột trong quan hệ xã hội nổ ra thì họ lạnh lùng hạ thủ để cắt cổ không chỉ một người, mà cắt cổ nhiều người trong cùng một gia đình “kẻ thù” của mình bằng thái độ quyết tâm đến độ lạnh lùng như những diễn viên điện ảnh mà họ từng được xem, thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại của thời đại ngày nay. Dù rằng, mức độ “hận thù” ấy chưa đến mức phải thực hiện hành vi tàn ác đến như vậy.
Theo quan điểm của ông, tại sao gần đây tần suất xuất hiện những vụ như này tăng cao như vậy?
Ngoại trừ nghi ngờ sự trùng hợp ngẫu nhiên về các vụ trọng án có hậu quả tương tự ở nhiều địa phương trong nước là loại tội phạm giết người, không chỉ giết một người, mà là giết chết cả gia đình, bất kể người bị giết là có tư thù hay không có tư thù mà chỉ là thân nhân của đối tượng thù hận; Thì nhà nước, xã hội và gia đình cũng phải có những biện pháp tích cực để nhìn nhận, sự phát triển kinh tế phải đi kèm sự phát triển về văn hóa theo hướng tích cực, đồng thời đề cao tính công bằng và sự nghiêm minh của luật pháp, không chỉ ở cấp trung ương, ở các đô thị lớn, mà phải lan tỏa đến những vùng sâu, vùng xa, thôn, bản… Nếu việc nhận diện mà tôi vừa nói ở trên không được coi trọng thì có thể tần suất về những vụ giết người man rợ như vừa qua sẽ khó giảm đi hoặc bị chặn đứng trong tương lai.
Có ý kiến cho rằng một phần trong đó là do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa hiệu quả, cũng có ý kiến cho rằng do tác động của việc lan tràn thông tin bạo lực, phim và game bạo lực. Ý kiến của ông như thế nào?
Tôi cho rằng, nếu được lựa chọn giữa những thông tin tuyên truyền pháp luật với việc đưa ra các chuyên mục trò chơi giải trí có mang tính bạo lực thì giới trẻ luôn luôn có nhu cầu được giải trí. Trong đó, trò chơi mang tính bạo lực sẽ chiếm số lượng áp đảo.
Như vậy, việc tuyên truyền pháp luật của Nhà nước, của các tổ chức trong xã hội sẽ khó tiếp cận với mọi giới, nhất là giới trẻ. Chỉ còn lại là gia đình, là các tế bào của xã hội kết hợp với cộng đồng khu dân cư. Đó là chiếc “áo giáp” giúp người ta lựa chọn cách sống phù hợp với đạo lý, với pháp luật. Khi một quan hệ xung đột xảy ra, chính gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, hoặc chính quyền địa phương cấp cơ sở, không chỉ là những đơn vị tốt nhất góp phần ngăn chặn tội phạm, mà còn là nơi giải quyết tốt các xung đột ấy để những hậu quả nghiêm trọng không thể xảy ra tại địa phương của mình.
Vậy theo ông, cần phải đặt vấn đề gì về trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của nhà quản lý để tìm cách hạn chế tình trạng này?
Không phải các quốc gia đang phát triển đều gặp phải tình trạng phát triển tương ứng về tình hình tội phạm trong nước. Điều đó cho thấy, vấn đề áp dụng việc quản lý xã hội bằng các hành lang pháp lý tạo sự an toàn cho người dân là một trong những điều kiện then chốt để ngăn chặn tội phạm, nhất là loại tội phạm giết người hàng loạt như vừa qua ở các tỉnh Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái. Nhưng trên hết, ngoài tính nghiêm minh của pháp luật còn phải giữ được sự công bằng trong xã hội, nhà nước không nên để sự phát triển không đồng đều về các mặt kinh tế, văn hóa trong xã hội có sự phân hóa quá lớn.
Đồng thời, mỗi gia đình, mỗi địa phương ở cấp cơ sở nhỏ nhất không nên nhờ đến nhà nước xử lý các hậu quả đã xảy ra, mà nên có biện pháp giáo dục vừa về pháp lý, vừa về đạo lý nhiều hơn sự trừng phạt của các nhà quản lý. Tôi tin, dù xã hội có phát triển thì cái ác cũng sẽ bị chặn đứng.
Xin cảm ơn ông!