Vụ tham ô tại Sóc Trăng: Lộ dần dấu hiệu ép, mớm cung
Vụ tham ô tại Sóc Trăng: Lộ dần dấu hiệu ép, mớm cung
>> Vụ tham ô ở Sóc Trăng: Hình sự hóa quan hệ kinh tế?
>> Xét xử vụ án "nhiều cái nhất" sau 5 lần hoãn
Ngày hôm qua (29/2) là ngày thứ 3 xét xử vụ án, phòng xử án như nóng lên khi các bị cáo tiếp tục khẳng định rằng, trong suốt quá trình điều tra, các điều tra viên đã ghi không trung thực lời khai của họ.
Gần trọn buổi sáng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Sóc Trăng vẫn 'ép' bị cáo phải thừa nhận các lời khai đã có trong hồ sơ. Đã có lúc, thẩm phán Lê Ngô, Chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở Kiểm sát viên thay đổi thái độ xét hỏi và kiểu hỏi. Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng thỉnh thoảng vẫn chỉ tay vào mặt bị cáo khi xét hỏi với thái độ đe nẹt, tạo nên tâm lý lo sợ cho các bị cáo.
Liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Huỳnh Ngọc Bích trong vụ án này, cáo trạng nêu: “Tháng 4/2007 bị can Nguyễn Thế Vương, cán bộ TTKC điện thoại cho bị can Bích để bàn việc chọn địa điểm mở lớp dạy nghề. Sau khi bàn bạc, hai bên đi đến thống nhất là nơi nào chưa biết nghề thì tổ chức dạy, nơi nào biết nghề thì làm hồ sơ, khai giảng để Trung tâm hỗ trợ tiền cho HTX TTCN Ngọc Bích. Đến tháng 5/2007 bị can Bích ký 6 hợp đồng đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đào tạo 6 lớp với TTKC tỉnh Sóc Trăng nhưng bị can Bích chỉ thực hiện 1 hợp đồng đào tạo 1 lớp tại huyện Vĩnh Châu. 5 hợp đồng tại huyện Mỹ Xuyên: chỉ tổ chức khai giảng 2 lớp ở xã Tham Đôn, xã Gia Hòa 2, sau đó không có dạy”. Theo đó, số tiền bị can Bích được hưởng từ việc ký hợp đồng khống là 17,6 triệu đồng. Cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng nêu ra một số hành vi phạm tội “tham ô tài sản” khác của bị cáo Bích giống như kết luận điều tra vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng. Trả lời các câu hỏi của đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng tại phiên tòa về việc: Có hay không, HTX Tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Ngọc Bích tổ chức các lớp học như các bản hợp đồng ký với TTKC? Bị cáo Bích khẳng định là có mở lớp và dạy nghề cho bà con, không như kết luận điều tra vụ án cũng như cáo trạng của 2 cơ quan tố tụng nêu trên. Bị cáo Bích tiếp tục khẳng định: “Trong các lần lấy lời khai, điều tra viên đã ghi không đúng nội dung trình bày của bị cáo. Bị cáo có đề nghị nhưng điều tra viên không chịu sửa, không cho sửa”.
Về khoản tiền bị cáo buộc là tham ô, bị cáo Bích đã nộp, được ghi trong cáo trạng và kết luận điều tra vụ án, sau khi đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng đề cập và cho rằng, đó là hành vi bị cáo “thừa nhận phạm tội tham ô”, bị cáo Bích trình bày: “Tôi bị điều tra viên dụ rằng, số tiền đó đối với điều kiện kinh tế của gia đình và HTX có đáng báo nhiêu, cứ nộp đi rồi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm chi hết. Lúc đó, tôi cũng sợ mình bị bắt, HTX tan vỡ, hàng trăm xã viên và hàng ngàn lao động đang sản xuất sản phẩm mây, tre, lá của tui sẽ ra sao? Uy tín giữa HTX TTCN Ngọc Bích và bà con xã viên mấy năm qua gây dựng sẽ đổ vỡ hết. Số tiền mà điều tra viên dụ nộp đó, không bằng số tiền HTX làm từ thiện 1 năm, tui muốn cho xong việc. Tui tin lời mấy anh điều tra viên thì nộp chứ có tham ô gì đâu”
Để xác minh rõ sự việc có hay không HTX TTCN Ngọc Bích ký hợp đồng mở lớp nhưng không dạy với TTKC để tham ô số tiền nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Thảo, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (Liên minh HTX Việt Nam), đã tìm đến tận các ấp, xã, nơi các hợp đồng ghi rõ địa chỉ mở lớp thì sự thật hoàn toàn khác. Ở các địa chỉ này, HTX TTCN Ngọc Bích đều tổ chức dạy nghề theo đúng nội dung hợp đồng và đã thu mua sản phẩm cho họ từ sau khi mở lớp học cho đến khi vụ án bị khởi tố. Để khẳng định sự thật, ông Nguyễn Mạnh Thảo, với tư cách là đại diện cho Liên minh HTX Việt Nam, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Bích, Chủ nhiệm HTX TTCN Ngọc Bích đã gửi cho Hội đồng xét xử (HĐXX), mà cụ thể là thẩm phán Lê Ngô bản danh sách 164 nhân chứng, là những người đã tham gia các lớp học nêu trên. Tuy nhiên, danh sách do đại diện Liên minh HTX Việt Nam cung cấp cho HĐXX tại phiên tòa trước, cho đến nay, vẫn không được HĐXX và thẩm phán Lê Ngô quan tâm. Tại phiên tòa, các nhân chứng nói trên không được Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng mời tham dự phiên tòa theo đề nghị của ông Nguyễn Mạnh Thảo. Xin nói thêm rằng, theo danh sách nhân chứng liên quan đến vụ án mà Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng công bố tại các phiên tòa trước là 186 người, như vậy, tổng số nhân chứng cần triệu tập để xác định có hay không việc triển khai các lớp học theo chương trình dự án lên tới 350 người. Tuy nhiên, tại phiên tòa này, chỉ có 55 người được TAND tỉnh Sóc Trăng gửi giấy mới và trong số đó, chỉ có 23 người nhận được giấy mời chính thức. Số nhân chứng còn lại, họ tự đến theo đề nghị của các bị cáo.
Liên quan đến dấu hiệu ép cung, mớm của các điều tra viên, bị cáo Ngô Hồng Phi, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thế Vương và các bị cáo khác cũng có những lời phản cung tương tự tại phiên tòa, rằng các bị cáo đều bị các điều tra viên ép, hướng dẫn khai theo ý của điều tra viên. Bị cáo Ngô Hồng Phi, nguyên giám đốc TTKC trình bày: “Sau khi điều tra viên đọc lại lời khai, bị cáo không thừa nhận nội dung ghi trong biên bản lấy lời khai, điều tra viên có bảo bị cáo viết tường trình bổ sung, nhưng khi kết luận điều tra vụ án, nôi dung các bản tường trình của bị cáo không được các điều tra viên xem xét. Bị cáo không đồng tình với nội dung kết luận điều tra và cáo trạng”.
Bà Lâm Thị Lệ, 60 tuổi, một trong số nhân chứng có trong danh sách vụ án nhưng không được TAND tỉnh Sóc Trăng mời đến dự phiên tòa, đã cùng một số nhân chứng “không mời mà đến” khác cũng có mặt tại phiên tòa để mong được minh oan cho bị cáo Huỳnh Ngọc Bích, trong khi phiên tòa giải lao, đã chủ động tìm gặp các nhà báo để trình bày sự thật. Bà Lệ nói: “Chúng tôi ở ấp Giòng Có, xã Thăm Đôn, huyện Mỹ Xuyên, là người dân tộc Khơ me, thấy Nhà nước có chính sách dạy nghề cho bà con nông dân thì mừng lắm, có đăng ký lớp học của chị Bích và cả gia đình đã làm được sản phẩm bán lại cho HTX. Từ sau khi có lớp học cho đến năm 2009, gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong Ấp đã có việc làm, có thu nhập thêm nhờ HTX Ngọc Bích. Từ khi xảy ra vụ án này, bà con chúng tôi rất hoang mang vì bị công an mời lên hỏi miết. Nhiều người sợ quá đã bỏ nghề, không dám làm nữa”
Ông Hà Sơn Lâm, giám đốc TTKC tỉnh Sóc Trăng (người kế nhiệm sau khi người tiền nhiệm dính vòng lao lý) cho biết, từ khi vụ án “tham ô tài sản” bị khởi tố, TTKC tỉnh Sóc Trăng không triển khai thêm được đề án dạy nghề nào cho bà con nông dân nữa vì ai cũng sợ bị vào tù. Có 4 đề án dạy nghề trước đó chưa kịp triển khai, chúng tôi cũng đành trả về cho Sở Công thương.
Trong phần xét hỏi, nhiều khoản chi phí trong quá trình triển khai dự án được nêu trong kết luận điều tra và cáo trạng không đúng với thực tế trình bày của các bị cáo cũng đã được làm sáng tỏ.
Ngày hôm nay (1/3), phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Các phóng viên rất muốn được gặp, phỏng vấn thẩm phán Lê Ngô, đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng về một số nội dung chưa được làm rõ tại phiên tòa nhưng đều bị từ chối.
Báo điện tử Infonet sẽ tiếp tục thông tin tới diễn biến vụ án và phiên tòa
Trần Cường