Vụ “quan tài diễu phố”: Bị cáo bị bắt khi chưa sinh ra?
Các bị cáo tại phiên tòa |
Đúng 13h30' phiên tòa xét xử vụ án “quan tài diễu phố” đối với bị cáo Phùng Mạnh Tuấn cùng đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.
Trình bày trước Tòa, chị Nguyễn Thị Thương (vợ nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh) nói: "Gia đình tôi vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường từ các bị cáo theo như tòa sơ thẩm đã tuyên. Gia đình tôi mới nhận được số tiền 40 triệu đồng, trong đó, bị cáo Tuấn đã đưa gia đình tôi 20 triệu đồng".
13h45', HĐXX tạm nghỉ 10 phút để đại diện Viện kiểm sát chuẩn bị phần quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
13h55', phiên tòa tiếp tục, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa Lê Hồng Tuấn.
Theo phía Viện kiểm sát, trong hồ sơ vụ án, có rất nhiều lời khai không có chữ ký của bị cáo, nhiều bản khai giống nhau, bị gạch xóa, do vậy cần phải làm rõ thêm. Đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ để điều tra lại.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng: Hoàn toàn nhất trí với lời đề nghị, quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát trả lại hồ sơ để điều tra lại vụ án.
“Tôi thấy lời khai của bị cáo cho rằng mình bị điều tra viên ép buộc, bắt viết như vậy nên việc trả hồ sơ để điều tra lại như đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát tôi hoàn toàn đồng ý”, luật sư nói.
Luật sư Lê Thị Oanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại cho rằng, Viện kiểm sát không phân công, không quyết định cử kiểm sát viên tham gia điều tra vụ án nên tất cả các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nhằm làm sáng tỏ vụ án thông qua việc giám định, lấy lời khai của bị can, nhân chứng, người có liên quan, khám nghiệm hiện trường đều không có giá trị.
Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án không đúng chức vụ, quyền hạn. Cụ thể, trong vụ án này tại bút lục số 38 đến 47 ghi 3 kiểm sát viên đều không có quyết định phân công giám sát vụ án, đồng thời cũng không phải là Viện trưởng hay Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đúng cấp.
Tư cách giám sát việc khám nghiệm tử thi không đảm bảo, kiểm sát viên tham gia khám nghiệm tử thi không được Viện trưởng hay Phó viện trưởng Viện kiểm sát phân công.
Ngay cả việc lập lý lịch căn cước đối với các bị cáo không chính xác như ngày tháng năm sinh của Phùng Mạnh Tuấn, Phùng Đắc Tú, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Định.
Điều này dẫn tới Phùng Đắc Tú khai có tới 3 ngày tháng năm sinh khác nhau mà không biết chính xác là ngày tháng năm sinh nào. Hay Nguyễn Văn Định có cả ngày tháng năm sinh là ngày 28/10/2013, tức là bị bắt khi chưa sinh ra.
Bên cạnh đó, luật sư Oanh cũng cho rằng, Việc trưng cầu giám định không khách quan, không đúng quy định, sử dụng kết quả giám định, không phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án.
Số lượng mẫu thu và mẫu gửi đi giám định không thống nhất, mẫu gửi đi nhiều hơn mẫu thu. Việc xác định nồng độ cồn trong máu của Nguyễn Tuấn Anh là không chính xác. Kết quả mô bệnh học làm căn cứ xác định nạn nhân chết ngạt nước không đúng... Chứng cứ thu thập đã không được xem xét, đánh giá trong mối liên hệ tổng thể của vụ án.
Việc cơ quan điều tra không dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra trong khi chứng cứ khác của vụ án chưa chắc chắn khiến cho việc điều tra không khách quan, đầy đủ.
Việc lấy lời khai có biểu hiện không khách quan. Tại phiên tòa nhiều bị cáo Phùng Mạnh Tuấn và Phùng Đắc Tú đã khai rằng do bị đánh bắt buộc phải khai không đúng sự thật, được điều tra viên ép chép lời khai của các bị cáo khác.
Luật sư Oanh đề nghị, HĐXX cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả lại hồ sơ vụ án để điều tra lại từ đầu để làm sáng tỏ vụ án, không vì "con ông cháu cha" mà bỏ lọt tội phạm.
Tại phiên tòa các bị cáo cũng mong Tòa trả lại hồ sơ để điều tra lại từ đầu. Gia đình nạn nhân cũng đồng ý với quan điểm của luật sư hủy bản án sơ thẩm để trả lại hồ sơ điều tra lại vụ án từ đầu.