Vụ lật tàu trên sông Hàn 3 người chết: Xử lý trách nhiệm thế nào?
Liên quan đến vụ lật tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn làm 3 người chết vào tối 4/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo điều tra, làm rõ. Theo thông tin từ báo chí, trong ngày 6/6, Cơ quan công an Đà Nẵng sẽ có quyết định khởi tố vụ án lật tàu du lịch trên sông Hàn khiến 3 người thiệt mạng vào tối 4/6.
Đây là vụ việc kinh hoàng, gây thương tổn cho gia đình nạn nhân thiệt mạng, tác động xấu đến tâm lý của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đà Nẵng (một trong những địa điểm đáng sống nhất). Đồng thời cũng ảnh hưởng đến sức hút du lịch nơi đây.
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) về vấn đề này.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) |
Luật sư Đặng Văn Cường: Trước hết, phải nói rằng vụ việc lật tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn là vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của rất nhiều người, trong đó có 3 người thiệt mạng.
Nói đến vấn đề trách nhiệm pháp lý của những cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc thì đầu tiên phải nói đến trách nhiệm của người chủ tàu, người lái tàu. Sau đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cán bộ có thẩm quyền trong việc quản lý hoạt động có liên quan trong vụ việc trên.
Trách nhiệm pháp lý trong vụ việc trên sẽ gồm trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Ngoài ra, vụ việc có dấu hiệu hình sự do đó sẽ phải xem xét đến trách nhiệm hình sự của những người có liên quan về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy quy định tại Điều 212 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Khi vụ án được khởi tố, chủ tàu và người lái tàu sẽ bị khởi tố về hành vi nào, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Trong vụ việc trên, việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra đủ căn cứ để khởi tố những người có liên quan đến vụ việc thì người lái tàu, chủ tàu có thể bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy quy định tại Điều 212 Bộ luật Hình sự.
Do tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, nên người vi phạm có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/ TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, cụ thể như sau:
“3. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 204; khoản 3 các điều 202, 203, 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220, Điều 222, Điều 223; khoản 4 các điều 206, 207, 216, 218, 219 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết từ ba người trở lên;
b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.”
Vậy còn cá nhân và cơ quan quản lý, nếu để tàu "hoạt động chui", chở quá số người quy định (phương tiện cấp phép chở 28 người, nhưng chở tới 56 người)?
Luật sư Đặng Văn Cường: Để cả một con tàu hoạt động sai luật như thế, đương nhiên, ngoài trách nhiệm của chủ tàu, người lái tàu, các cơ quan quản lý liên quan không thể chối bỏ trách nhiệm.
Theo tôi, việc kỷ luật cán bộ quản lý, kể cả trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật là cách chức, buộc thôi việc cũng không thể thay thế biện pháp xử lý bằng pháp luật.
Chủ tàu du lịch sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho những người bị hại theo quy định tại Điều 609, 610 BLDS và bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Còn người quản lý du lịch bằng tàu thủy sẽ bị xem xét trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm pháp lý, về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư có nghĩ rằng sẽ phải có cá nhân từ chức hoặc chịu kỷ luật nghiêm khắc thì sự việc mới không tái diễn?
Luật sư Đặng Văn Cường: Như đã phân tích ở trên, người chủ tàu, người lái tàu ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nạn nhân thì còn phải xem xét trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ.
Đối với cơ quan quản lý, người đứng đầu các cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm về vụ việc trên.
Ngoài hình thức kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, không phải chỉ có từ chức hay kỷ luật mà còn phải xem xét trách nhiệm hình sự với cá nhân liên quan.
Xin cảm ơn luật sư!