Vụ Huyền Như: 50 phút “phản pháo” của VietinBank
Đồng ý với VKS
Đầu giờ chiều ngày 16/1 luật sư Nguyễn Thị Bắc, bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng VietinBank (được xác định là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong phiên tòa) đã bắt đầu phần đối đáp của mình.
Huyền Như đã từ chối tự bào chữa thêm trong buổi chiều ngày 15/1 |
Mở đầu, vị luật sư cho biết: “Hoàn toàn đồng ý với nội dung luận tội của đại diện VKS đã buộc tội Huyền Như tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Cũng theo bà thì nội dung luận tội của VKS là khách quan, có căn cứ và đúng pháp luật.
Bà cũng đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Tiến Hùng về nội dung phân tích, đánh giá những sai phạm của các ngân hàng, công ty, cá nhân đã trực tiếp giao dịch với Huyền Như để thu lợi bất chính.
Ngay sau đó luật sư Bắc phản bác ý kiến của các luật sư và các bị hại đã cho rằng trong vụ án này Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) mới là bị hại và Ngân hàng này phải trả tiền cho họ.
Lý do vị luật sư này đưa ra là những thỏa thuận giao dịch giữa các ngân hàng này với bị cáo Như là “bất hợp pháp” và diễn ra ngoài trụ sở giao dịch của VietinBank và VietinBank hoàn toàn “không biết, không tham gia”.
Bị lừa là do bẫy "lãi suất cao"?
Cụ thể, trong vụ việc Huyền Như lừa đảo Ngân hàng Quốc tế (VIB) 180 tỷ, Như đã làm 40 hợp đồng giả giữa VietinBank chi nhánh Nhà Bè với 12 đối tượng là người giúp việc và người thân của mình để làm tài sản thế chấp của 40 hợp đồng cầm cố vay tại VIB. Do đó luật sư Bắc cho rằng ngân hàng này đã giao dịch cá nhân với Như và bị Như chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Bắc đã bác bỏ tất cả các lập luận mà những luật sư bên "bị hại" đưa ra trước đó |
Trong khi đó ở các vụ lừa đảo tại Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, Công ty Zenplaza, Dã Thị Mai Hiên, Phạm Anh Tuấn, Lê Thị Kim Tuyến, Như đã làm nhiều hợp đồng ủy thác đầu tư giả giữa các đơn vị cá nhân này với VietinBank chi nhánh TP.HCM và chi nhánh Nhà Bè. Sau đó chuyển đi với nội dung trong hợp đồng là tiền được chuyển thẳng về tài khoản của một số công ty khác tại ngân hàng Eximbank và BIDV, Như đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này (hơn 400 tỷ) sau đó để mang đi trả nợ.
Bởi vậy luật sư khẳng định 2 công ty và 3 cá nhân trên đã giao dịch với cá nhân Như chứ không phải với VietinBank.
Ở vụ việc của Công ty Phúc Vinh, công ty Thịnh Phát, công ty Hưng Yên, luật sư Bắc lập luận rằng nguyên nhân là do trước đó Trưởng ban nguồn vốn Ngân hàng Hàng Hải đã trực tiếp gặp và thỏa thuận với Như việc gửi tiền vào VietinBank.
Trên cơ sở thỏa thuận này lãnh đạo Ngân hàng Hàng hải đã ký 73 hợp đồng ủy thác đầu tư với 3 công ty trên và tiến hành chuyển 2.250 tỷ đồng vào tài khoản 3 công ty này tại ngân hàng Hàng Hải. Tiếp tục, Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng Hải và Trưởng ban nguồn vốn đã chỉ đạo cho người của 3 công ty trên ký hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn với VietinBank.
Để chiếm đoạt số tiền này Như đã thuê khắc 3 con dấu giả của 3 công ty trên và làm 110 hợp đồng, phụ lục hợp đồng giả với VietinBank chi nhánh Nhà Bè. “Tất cả các hợp đồng này đều không lưu trong hệ thống VietinBank” – luật sư Bắc khẳng định.
Vụ việc của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu cũng diễn ra với phương thức như trên. Như đã thuê khắc các con dấu giả đứng tên Công ty này và làm 5 hợp đồng ủy thác đầu tư, phụ lục hợp đồng có dấu giả của VietinBank chi nhánh Nhà Bè để Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu ký với tổng số tiền 125 tỷ. Sau đó Như đã dùng lệnh chi giả để chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của Bảo hiểm Toàn Cầu đến các công ty sân sau của mình.
Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp tục có mặt tại phiên xử chiều ngày 16/1 |
Về vụ việc của Ngân hàng Á Châu (ACB), theo luật sư Bắc thì 19 nhân viên ACB đã nhận ủy thác tiền gửi từ ACB với số tiền 118 tỷ với nội dung là nhận gửi tiền tại VietinBank với hình thức tiết kiệm, và bên nhận ủy thác có nghĩa vụ quản lý vốn với tư cách là chủ thẻ tiết kiệm.
Tuy nhiên luật sư Bắc cho rằng: “Các nhân viên ACB đã không nhận các thẻ tiết kiệm này mà để cho Như nắm giữ, trong khi ACB cũng không yêu cầu nhân viên của mình giao lại các thẻ tiết kiệm này”.
Do đó Như đã dùng các thẻ này lập hồ sơ vay, cầm cố thẻ tiết kiệm có trị giá 466 tỷ, và Như tiếp tục làm giả tiếp các giấy tờ để làm thủ tục tất toán số tiền 81 tỷ trên thẻ tiết kiệm rồi chuyển số tiền đó vào tài khoản thanh toán của các cá nhân ACB sau đó làm các lệnh chi giả để chuyển cho các đơn vị, cá nhân mà Như đã vay.
Kết luận lại, luật sư Bắc cho rằng, việc Như chiếm đoạt tiền của ACB là do sai phạm của ngân hàng này và các nhân viên.
Từ sự việc này bà cũng “gửi thông điệp”: Với những khách hàng không có lòng tham, không bị sập bẫy lãi suất mà thực hiện đàng hoàng các giao dịch đúng theo quy định thì không thể bị lừa.
Ngay khi luật sư Bắc kết thúc phần tranh luận của mình, một số luật sư bảo vệ cho bị hại đã đề nghị HĐXX cho phép được lập tức đối đáp, tuy nhiên HĐXX cho rằng việc này cần phải theo trình tự, nên yêu cầu này sẽ được thực hiện vào ngày 17/1.