Vụ Hoàng Khương và chuyện "nhập vai" của phóng viên
Vụ Hoàng Khương và chuyện "nhập vai" của phóng viên
Phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Đức Hiển, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM, một tờ báo đã có rất nhiều bài điều tra mà trong đó có sự "nhập vai"của các phóng viên.
Đã từng tham gia vào nhiều phóng sự điều tra, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp của mình, đặc biệt là “nghệ thuật” nhập vai? Với anh, để nhập vai thành công, đâu là yếu tố quyết định?
Nói ra thì rất dài, nhưng muốn nhập vai thì phải thuộc kịch bản, nắm rõ đặc trưng của cái vai mà mình sẽ nhập. Để thực hiện phóng sự điều tra “Tận đáy xã hội”, vào Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM sống chung với người lang thang xin ăn, các đối tượng xì ke, nghiện hút, tôi mất 4 tháng để lân la với đám bụi đời bến xe Miền Đông. Vào trại, đại bàng hỏi: “mày nói là mày ở khu bến xe Miền Đông, mày biết ai ở đó?”, trả lời không xong là no đòn ngay.
Nhà báo Đức Hiển (trái), Tổng Thư ký Tòa soạn và các phóng viên trong ban Phóng sự - Chuyên đề Báo Pháp Luật TP.HCM.
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, anh có thể chỉ ra những sai sót mà phóng viên dễ mắc phải trong quá trình nhập vai? Đâu là phương pháp hữu hiệu để hạn chế những sai sót này?
Sai sót thì có thể rất nhiều, nhưng có một số điều cần lưu tâm: phải diễn thật đạt nhưng phải luôn tỉnh táo để hiểu đấy chỉ là vai diễn. Bạn không được làm những gì quá giới hạn mà luật và đạo đức cho phép.
Trải qua hành trình dài với những phóng sự điều tra gai góc chắc hẳn anh đã một vài lần gặp sự cố, nguy hiểm. Anh có thể chia sẻ về một trong những sự cố mà anh cho là khó khăn nhất?
Năm 1998, khi cùng phóng viên Bảo Trâm nay là Giám đốc Công ty Sài Gòn Luật nhập vai người đi kiện vạ vật ở ngõ Dã Tượng (Hà Nội) để tìm hiểu những đường dây cò chạy án ở TAND Tối Cao, tôi bất ngờ gặp một bạn đọc mà có lần tôi đã viết bài về vụ kiện của ông. Đó là ông Nguyễn Minh Tân, ở quận 4, TP.HCM. Ông Tân vào thuê trọ đúng ngôi nhà mà tôi và những người đi kiện khác thuê, số 05 Ngõ Dã Tượng. Suýt nữa thì lộ. Tôi phải bấm cụ ra ngoài và nói thật rằng mình đang… diễn.
Nhà báo Đức Hiển (bìa phải) trong Trung tâm bảo trợ xã hội TP.HCM để viết phóng sự điều tra “Tận đáy xã hội” năm 2002
Với tư cách là Tổng Thư ký Tòa soạn của một tờ báo, giả sử phóng viên thuộc tòa soạn mắc phải những sai lầm hoặc gặp sự cố trong quá trình tác nghiệp, thì tòa soạn cần làm gì để sửa chữa những sai lầm hoặc bảo vệ phóng viên đó?
Chúng tôi có nguyên tắc: Một phóng sự điều tra nhập vai chỉ được tiến hành khi Tòa soạn đảm bảo giám sát được di biến động của phóng viên, thông tin thông suốt trong mọi trường hợp. Phải bảo đảm rằng Tòa soạn có phương án can thiệp lập tức và hiệu quả khi phóng viên gặp nguy hiểm. Bởi trong một số trường hợp, PV khi đã nhập vai là không còn khả năng liên lạc tức thời với tòa soạn.
Khi PV Đông Trang giả làm gái quê để bị dụ bán vào nhà chứa, hai PV được phân công túc trực trước nhà chứa và liên hệ sẵn với trực ban Công an quận 12. Đến lượt PV Đông Trang phải đi khách, 30 cảnh sát đã được huy động để giải cứu và bắt quả tang tụ điểm này.
Theo anh, giới hạn nào là an toàn đối với phóng viên tham gia viết phóng sự điều tra, đặc biệt là những đề tài nhạy cảm?
Không có câu trả lời cụ thể chung cho mọi trường hợp. Nhưng tôi luôn nghĩ ra những tình huống và đối chiếu nó với quy định pháp luật để hỏi: điều mà mình hoặc đồng nghiệp của mình dự định làm có hợp pháp không?
Trong năm qua có rất nhiều vụ liên quan đến việc phóng viên lạm quyền để tư lợi. Theo anh, làm thế nào để hạn chế những vụ việc tương tự?
Không chỉ Phóng viên mà cấp trên của anh ta cũng có thể tư lợi bằng cách cắt bỏ chi tiết bất lợi cho đối tượng bị điều tra hoặc dùng quyền lực của Tòa soạn để gác bài. Vì thế, phải đảm bảo rằng quá trình tác nghiệp của PV phải được giám sát, bằng những quy chế nội bộ. Tư liệu của PV phải được báo cáo với người phụ trách tuyến bài. Cạnh đó là việc duyệt bài, biên tập các chi tiết phải minh bạch.
Ở Báo Pháp Luật TP.HCM, việc duyệt đăng các bài điều tra không phải là thẩm quyền của riêng Tòa soạn, mà của tập thể Ban Biên tập. Khi phóng viên ra trận mà cứ phải băn khoăn rằng cấp trên sẽ trục lợi từ bài viết của mình, thì còn ai dám xông pha?
Nói về nghề báo, ngạn ngữ phương Tây có câu: “Muốn tả một miếng bít tết không nhất thiết phải nhảy vào chảo lửa”. Anh nhận xét gì về câu ngạn ngữ này?
Đúng thế, không nên lạm dụng việc nhập vai để điều tra. Chỉ nhập vai khi đó là cách tốt nhất để thu thập thông tin.
PV không thể chứng kiến tình trạng đại bàng hành hung trại viên mới trong trại xã hội; không thể nêu được tác dụng ngược của những đợt thu gom tệ nạn; không thể ôm máy ảnh hay máy ghi âm đứng trước mặt CSGT để ghi nhận tình trạng mãi lộ; hối lộ; không thể trình thẻ nhà báo cho cán bộ TAND Tối cao để hỏi… giá chung chi chạy giám đốc thẩm. Chỉ những trường hợp như thế mới cần thiết phải nhập vai.
Việc tập trung tác nghiệp có bị ảnh hưởng nhiều không khi nhiều phóng viên vẫn có cảm giác chưa yên tâm khi thấy mức độ bảo vệ mình còn hạn chế. Anh có bình luận gì về hành lang pháp lý trong hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay?
Tôi cho rằng đừng quá thụ động, ngồi im và đòi hỏi các điều khoản bảo vệ nhà báo. Mỗi tờ báo, mỗi cá nhân nhà báo phải nghĩ ra cách tác nghiệp đúng luật. Mỗi Tòa soạn phải có những quy chế và biện pháp bảo vệ phóng viên của mình. Thật vô lý khi đòi hỏi vinh quang nhưng không muốn hy sinh. Về phía luật, xã hội luôn chuyển động, đến mức nào đó những điểm vô lý, bất cập sẽ bộc lộ và nó sẽ đòi hỏi sư thay đổi cho phù hợp.
Thực tế cho thấy, nhiều nhà báo bị “mất lửa” với lĩnh vực này không phải bởi lĩnh vực này quá rủi ro, mà do lãnh đạo nhiều tờ báo cầu toàn, ngại “chiến đấu”, hoặc do những quan hệ “khó nói” phía sau mặt báo. Khi gặp phải những trường hợp như thế, anh sẽ lựa chon phương án nào?
Vẫn là cách nghĩ thụ động. Khi bạn là cấp dưới của một ông sếp như thế, bạn vẫn có những công cụ đấu tranh, bày tỏ chính kiến. Còn khi đã bày tỏ, đã đấu tranh mà vẫn không thay đổi được, sao không từ bỏ tờ báo ấy để đi tìm một tờ báo khác, nếu thật sự bạn có tài?
Đối với cuộc sống riêng của anh, có bị xáo trộn nhiều khi tham gia vào các vụ điều tra? Đặc biệt, anh có bị tác động bởi gia đình hay không?
Cũng có, nhưng không lớn. Bạn không thể bắt gia đình hy sinh cho mình vì mình là nhà báo, rằng công việc mình đang làm thiêng liêng hơn gia đình, rằng bạn bận hẹn tiếp nguồn tin nên không bao giờ đón con, rằng bạn lo chuyện vĩ mô nên không thể chui vào bếp nấu ăn giúp vợ. Tôi nghĩ dù là nghề nào, bạn cũng phải dung hòa lợi ích gia đình và đam mê nghề nghiệp. Tôi không tin có nhà báo nào đó có thể hy sinh cho bạn đọc khi mà anh ta không thể chăm sóc tốt những đứa con của mình.
Anh có những lời khuyên như thế nào dành cho những phóng viên trẻ khi dấn thân vào lĩnh vực hóc búa này?
Chăm chỉ, đam mê nhưng đừng liều lĩnh. Trước khi nhập vai để điều tra cái gì, hãy tự hỏi mình đã chuẩn bị đường thoát ra khỏi cái vai ấy chưa.
Xin cảm ơn anh!
Một số phóng sự điều tra có sự nhập vai của phóng viên trên Báo Pháp Luật TP.HCM: Tôi đi tìm Bao công(Bảo Trâm - Đức Hiển): Các phóng viên giả dạng người đi kiện vạ vật gần một tháng trời ở Ngõ Dã Tượng (HN) để mô tả thực trạng khiếu nại xin giám đốc thẩm các vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật. Loạt bài đã nêu ra sự rắc rối và tùy tiện trong việc xét giám đốc thẩm; dấu hiệu tiêu cực của cán bộ các cơ quan tố tụng; kiến nghị những vấn đề về thủ tục Giám đốc thẩm. Tôi đi buôn heo(Bùi Phụ - Doãn Khởi): Trong vai người đi buôn heo, các phóng viên đã phanh phui việc các trạm kiểm dịch ở Đồng Nai và TP.HCM nhận tiền hối lộ, sẵn sàng cho heo bệnh vào chợ đầu mối. Tận đáy xã hội(Đức Hiển - Thái Bình - Nguyễn Tập): Các phóng viên đã giả dạng người cơ nhỡ lang thang để được tiếp nhận (thực chất là thu gom) vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.HCM và phản ảnh cuộc sống bên lằn ranh giữa người lang thang và tội phạm của những người bên lề xã hội. Đó là thế giới của những ăn mày; bán vé số; đối tượng nghiện xì ke, AIDS. Bán gái quê vào tổ quỷ(Đông Trang - Võ Bá): Phóng viên trong vài người lái xe ôm và gái quê lên TP tìm việc làm để ghi nhận quá trình bán người vào tụ điểm mại dâm. |
Việt Dũng