Vụ “Con ruồi trong chai Number 1”: Án 7 năm tù với bị cáo Minh nặng hay nhẹ?
![]() |
Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa |
Trong 2 ngày 17 và 18/12, TAND tỉnh Tiền Giang đã đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Võ Văn Minh về tội “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến con ruồi trong chai Number 1 giá 500 triệu đồng.
Tại tòa, LS Nguyễn Tấn Thi và Phạm Hoài Nam (người bào chữa miễn phí cho bị cáo Minh) luôn khẳng định, anh Minh là người tiêu dùng, có quyền khiếu nại, thương lượng. Đây là giao dịch dân sự. Vì vậy, 2 luật sư đều đề nghị HĐXX xem xét tuyên bị cáo Minh không phạm tội.
Bản thân bị cáo Minh tại tòa cũng cho rằng mình chỉ đơn thuần là bán lại “chai nước có ruồi” cho Công ty Tân Hiệp Phát, chớ không nghĩ là mình phạm tội.
Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cũng nói trước tòa, vì lo sợ vụ việc bị phát tán, lan truyền ra bên ngoài nên mới chấp nhận phương án 500 triệu đồng để đáp ứng yêu cầu của anh Minh.
Thỏa thuận để im lặng là trái pháp luật
LS Đỗ Hải Bình (Văn phòng LS Quốc Anh) cho biết: "7 năm tù đối với hành vi của anh Minh là quá nặng. Theo tôi hành vi của anh Minh là vô tội, mắc mớ gì tòa tuyên bị cáo Minh có tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
"Cách xử lý của Tân Hiệp Phát theo tôi là không đúng với đạo đức kinh doanh. Nó thực sự không ổn và sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như làn sóng tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Giờ tôi nghe thấy Tân Hiệp Phát là không muốn uống một chai nào nữa. Tôi nghĩ cách hành xử của Tân Hiệp Phát là đối phó với người dân, người tiêu dùng và họ cần phải thay đổi cách xử lý. Không thể gài bẫy người tiêu dùng trong khi đó sản phẩm của anh chưa chứng minh được an toàn, tốt hay không? Cơ quan điều tra chưa xác định được ai bỏ con ruồi vô? Bỏ vô lúc nào thì anh phải làm rõ", LS Bình nói.
Còn theo LS Phạm Công Út, án 7 năm tù đối với hành vi của anh Minh dưới góc độ pháp lý là quá nhẹ, bởi vì 500 triệu rơi vào khoản 4 điều 135 BLHS với khung hình phạt từ 12-20 năm tù. Tại tòa, HĐXX nhận định anh Minh có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, việc giảm nhẹ cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
![]() |
Luật sư Phạm Công Út |
Anh Minh bị tuyên 7 năm tù là mức án thấp nhất (ở đây là thấp hơn 12 năm tù nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, nghĩa là phải trong khoản 3 Điều 135 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; a/ chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) gây hậu quả nghiêm trọng).
“Luật pháp vô tình không chạy theo cảm xúc của dư luận. Khi anh buộc người ta phải trả khoản tiền ngoài mong muốn bằng hình thức đe dọa, điều đó là hành vi nguy hiểm của xã hội”, LS Út nói.
LS Út cũng đưa ra một ví dụ: Một chàng trai đe dọa: Em, tối nay phải ngủ với anh, không thì anh đưa hình chăn gối hai đứa lên mạng. Đó là hành vi cưỡng bức người ta, đối chiếu vào hành vi của anh Minh với Công ty Tân Hiệp Phát là cưỡng bức đưa số tiền ngoài ý muốn.
Tân Hiệp Phát có nhiều ngàn tỷ nhưng nếu là một doanh nghiệp bình thường thì họ không có khả năng đưa số tiền trên thì sao?
Chia sẻ về khái niệm "thỏa thuận để im lặng", đối chiếu với hành vi của Công ty Tân Hiệp Phát và anh Võ Văn Minh thỏa thuận với nhau để dư luận không biết gì về chai nước có ruồi, LS Út phân tích: Việt Nam đang ngưỡng đang phát triển, việc thỏa thuận đó giữa Công ty Tân Hiệp Phát và anh Võ Văn Minh là trái pháp luật.
Anh không thể nào thỏa thuận để gây nguy hại hoặc gây bất lợi cho xã hội. Im lặng là bất lợi, gây nguy hiểm cho xã hội là che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. Thỏa thuận mang lại lợi ích cho cá nhân anh, gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội. Điều đó pháp luật Việt Nam cấm.
Còn trên thế giới tùy thuộc vào quốc gia nào. Với những quốc gia văn minh phương pháp “thành kính” tức là thỏa thuận với nhau không để lộ ra ngoài. Đó là văn hóa kinh doanh của họ.
Người Việt Nam thường nói “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”, thành ra người ta không muốn bán mà chỉ muốn mua thôi. Vì vậy, khi có sự cố sản phẩm họ tìm cách đàm phán đừng để lộ ra ngoài thị trường cộng đồng. Nó là tốt, là cách nhìn nhận cái sai của họ.
Tuy nhiên, công ty Tân Hiệp Phát khi gặp sự cố, họ lại không nhận sai, mà gài khách hàng và gặp các vấn đề về pháp lý. Hành động của họ là không phù hợp với đạo lý Việt Nam. Thành ra, cái giá trả của họ rất đắt.
Nói về việc kinh doanh ở Việt Nam, LS Út đặt câu hỏi: Tại sao có những “Phở mắng cháo chửi”( ăn phở nghe mắng, ăn cháo nghe chửi). Đó là văn hóa kinh doanh hình thành từ thời bao cấp. khi xã hội phát triển tới mức nào đó buộc họ phải thay đổi, phải coi khách hàng là thượng đế. Nếu vẫn duy trì lối cũ, phản ứng lên báo chí, thì cái “phở mắng cháo chửi” không thể tồn tại được, nếu không xem khách hàng là thượng đế.
Thỏa thuận im lặng bất lợi cho cộng đồng, cộng đồng không thể biết được khi 2 bên đàm phán bí mật để mua sự im lặng.
Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự trong vụ "Cưỡng đoạt tài sản Tân Hiệp Phát"
Theo LS Nguyễn Đức Thịnh (Văn phòng LS Kim Sơn): Hôm 17/12/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đưa vụ án này xét xử sơ thẩm, tuyên Võ Văn Minh 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Mặc dù vẫn còn quyền kháng cáo nhưng hiện tại, với án sơ thẩm, anh Võ Văn Minh đã là tội phạm. Luật sư không đồng ý với phán quyết của Tòa đối với anh Minh. Sẽ thật sự nguy hiểm nếu đây trở thành án lệ … Để cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa kém chất lượng giăng bẫy người tiêu dùng khi bị khiếu nại về sản phẩm.
![]() |
Luật sư Nguyễn Đức Thịnh |
LS Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ quan điểm:
Khi một người mua được chai nước Tân Hiệp Phát (THP) có RUỒI thì chai nước ấy hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của anh ta... Anh ta có đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu là:
- Quyền chiếm hữu.- Quyền sử dụng.
- Quyền định đoạt.
* Về quyền chiếm hữu: miễn bàn, đương nhiên là anh ta có quyền chiếm hữu vì đã bỏ tiền ra mua. (Điều này ngược với quan điểm của đại diện VKS trong phiên tòa vì họ cho rằng anh Minh mua hàng về bán, không phải người tiêu dùng?)* Về quyền sử dụng: Anh ta có quyền uống, vứt đi hoặc giữ lại chai nước ấy làm kỷ niệm. Anh ta cũng có thể trưng bày cho mọi người cùng chiêm ngưỡng con RUỒI trong chai nước để cảnh báo cho cộng đồng về chất lượng hàng hóa của THP ...Tuy nhiên để hình sự hóa mối quan hệ dân sự này, người ta đã sắp đặt một kịch bản và lập luận theo những căn cứ vô lý sau:
Thứ nhất - Về động cơ: Họ cho rằng trong vụ việc này, do lòng tham, muốn chiếm đoạt tài sản bất chính của người khác, làm giàu mà không phải lao động … Đây chính là quan điểm sai lầm ấu trĩ khi áp dụng pháp luật hình sự. Bởi lẽ pháp luật hình sự là nhằm trừng phạt hành vi phạm tội cụ thể chứ không áp dụng để trừng phạt lòng ham muốn, ước mơ làm giàu của người khác như ước mơ trúng thưởng, ước mơ trúng số độc đắc, thậm chí ước mơ mua được chai nước có RUỒI bên trong của Tân Hiệp Phát để bán lại với giá cao.Ở đây, giá trị được định danh do sự quý hiếm, sự độc đáo hoặc do chính tỳ vết , sự bất thường của vật ấy. Lỗi của sản phẩm hoặc sai sót về mặt kỹ thuật chính là yếu tố tạo ra sự đặc biệt và giá trị đặc biệt của sản phẩm ấy. Do đó, giá trị của sản phẩm nếu có sự đặc biệt cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là nó được thị trường hoặc người cần mua sản phẩm ấy tự nguyện chấp nhận.
Thứ ba – Về hành vi đe dọa tống tiền: Người ta cho rằng đã có hành vi đe dọa, khống chế, tạo áp lực buộc Tân Hiệp Phát phải chuộc chai nước với giá 500 triệu đồng là việc làm quy chụp, thiếu khách quan. Bởi lẽ, từ khi mua được sản phẩm này thì người mua chính là chủ sở hữu của chai nước Tân Hiệp Phát có Ruồi - nên ở đây nếu Công ty Tân Hiệp Phát muốn thu lại được sản phẩm ấy nhằm bất kỳ mục đích gì thì đều phải thỏa thuận mua lại với giá mà chủ sở hữu đưa ra. Hoàn toàn không có việc chủ sở hữu phải có hành vi cưỡng bức, tống tiền hoặc yêu cầu Tân Hiệp Phát phải “chuộc lại sản phẩm”.
Thiết nghĩ, một vụ việc dân sự rất rõ ràng nhưng đã bị hình sự hóa rất đáng lo ngại. Rồi mai này, khi không may mua phải những sản phẩm kém chất lượng, có ai còn dám thực hiện những quyền chính đáng của mình nữa không ?