Vụ con ruồi trong chai Number 1: 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Minh
Tại tòa án sơ thẩm, ông Minh đã bị kết án 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản |
Ba luật sư nộp hồ sơ bào chữa cho ông Minh gồm Nguyễn Tấn Thi, Phạm Hoài Nam (cả 2 luật sư từng bào chữa cho anh Minh trong phiên tòa sơ thẩm) và luật sư Nguyễn Kiều Hưng.
Trước đó, TAND tỉnh Tiền Giang đã kết án ông Minh 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, ông Minh đã kháng cáo bản án và kêu oan.
Ngày 28/1, ông Võ Văn Kỷ (cha ruột của ông Minh) đã làm đơn mời các luật sư bào chữa cho con mình nhưng giấy mời trên không được TAND cấp cao tại TP.HCM chấp thuận, buộc có chữ ký xác nhận của anh Minh.
Đến cuối tháng 4/2016, ông Minh đã làm đơn trực tiếp yêu cầu thì các luật sư mới tiếp nhận và nộp hồ sơ bào chữa và được TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp nhận.
Theo hồ sơ, ngày 3/12/2014 ông Minh lấy một chai nước Number 1, loại chai nhựa 350ml (sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát) để bán cho khách thì thấy có con ruồi bên trong nên mang cất dưới bàn.
Sau đó ông Minh nảy sinh ý định dùng chai nước này để yêu cầu công ty Tân Hiệp Phát đưa tiền cho mình. Ngày 5/12/2014 ông Minh gọi điện báo cho công ty này biết sự việc và yêu cầu phải giao cho mình 1 tỷ đồng, rồi hạ dần xuống 500 triệu đồng để đổi lại chai nước và sự im lặng.
Ông Minh cũng cho biết nếu công ty Tân Hiệp Phát không giao tiền thì sẽ khiếu kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đăng tải trên báo chí, chương trình 60 giây và in 5.000 tờ rơi nêu nội dung sự việc.
Sau khi nhận được yêu cầu này công ty Tân Hiệp Phát đã 3 lần phân công nhân viên đến gặp ông Minh để kiểm tra thông tin và giải quyết, cụ thể như sau:
Lần thứ nhất: Ngày 6/12/2014 công ty cử nhân viên là ông Trương Tiểu Long đến gặp ông Minh. Khi gặp mặt ông Minh yêu cầu phải giao cho mình 1 tỷ đồng và đe dọa như trên.
Tại đây ông Long giải thích về quy trình sản xuất của công ty, đồng thời cho biết công ty không trao đổi, giải quyết bằng tiền và đề xuất tặng ông Minh một số sản phẩm để “thay lời cảm ơn và xin nhận lại chai nước”. Tuy nhiên ông Minh không đồng ý.
Lần thứ hai: Sau nhiều lần nhận điện thoại thúc giục từ ông Minh, ngày 16/12/2014 công ty Tân Hiệp Phát tiếp tục cử ông Long và ông Nguyễn Văn Khu đến gặp để giải quyết.
Đơn yêu cầu luật sư của ông Nguyễn Văn Minh (Ảnh: luật sư Phạm Hoài Nam) |
Lần này ông Minh vẫn giữ nguyên ý định và có phần cương quyết hơn, trong khi ông Long và ông Khu đề nghị ông Minh “bình tĩnh” để hai ông này báo cáo lại lãnh đạo.
Sau đó ông Minh tiếp tục gọi điện đe dọa nhưng yêu cầu giảm xuống còn 600 triệu đồng. Về phần mình ông Long tiếp tục giải thích chủ trương của Tân Hiệp Phát đồng thời ghi âm nội dung cuộc trò chuyện này.
Lần thứ ba: Chờ đợi lâu không thấy Tân Hiệp Phát giao tiền nên ông Minh tiếp tục gọi điện yêu cầu. Ngày 20/102015 công ty này cử ông Long, ông Hoàng Chí Dưỡng và ông Tạ thành Trung đến gặp.
Lần này, ông Minh vẫn không chấp nhận những giải thích về chủ trương của Tân Hiệp Phát mà các nhân viên trên đưa ra, tuy nhiên yêu cầu của ông Minh giảm xuống còn 500 triệu đồng.
Sau 3 lần làm việc nhưng không có kết quả, ông Minh vẫn nhiều lần gọi điện tới ông Long để đe dọa phát tán thông tin cho các phương tiện truyền thông.
“Lo sợ trước những lời đe dọa và thái độ cương quyết” của ông Minh, bà Trần Ngọc Bích đã phân công ông Long, ông Trung và ông Vũ Anh Tuấn mang theo 500 triệu đồng xuống Tiền Giang để giao tiền cho ông Minh vào ngày 27/1/2015.
Khi ông Minh làm xong biên nhận và bỏ tiền vào cốp xe máy thì bị công an bắt quả tang.