Vụ chiếm đất công Từ Liêm: Nhùng nhằng "công", "tội"!
Vụ chiếm đất công Từ Liêm: Nhùng nhằng "công", "tội"!
Các bị cáo sẽ được tuyên là người có công hay mắc tội? (Từ trái sang, ông Vũ Tiến Phùng, Ngô Quang Anh, Hoàng Đình Trọng) |
Làm ơn, mắc vạ…?
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Từ Liêm, vào khoảng tháng 3/2011, có một nhóm đối tượng đã ngang nhiên chở một chiếc công-te-nơ từ đâu đến đặt ngay giữa khu đất trống rộng gần 200m2, nằm trong khuôn viên khu vực đã được quy hoạch vườn hoa, giáp mặt đường Lê Đức Thọ, thuộc thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình.
Sau khi đặt xong chiếc công-te-nơ, nhóm người lạ mặt này đã ngang nhiên tập kết vật liệu, xây dựng 1 ngôi nhà cấp 4 kiên cố trùm lên toàn bộ khu đất trống này. Thấy vậy, một số người dân trong khu vực đã bất bình, làm đơn trình báo sự việc lên UBND và Công an xã Mỹ Đình. Mặc dù vậy, ngôi nhà vẫn được hoàn thiện và hiên ngang tồn tại như thách thức pháp luật, thách thức chính quyền sở tại. Lực lượng Thanh tra xây dựng đô thị đi qua, nhìn thấy và biết công trình xây dựng trái phép nhưng đều lặng lẽ bỏ đi. Trong suốt mấy ngày xây dựng công trình này, người dân thấy có một phụ nữ trung tuổi, có nhan sắc, nhiều lần đi xe hơi đến “ngắm nghía” công trình.
Trước sự bức xúc của người dân và những lời đồn đại về việc ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm “đứng đằng sau” vụ lấn chiếm đất công nói trên, ông Vũ Tiến Phùng (đại diện cho những người dân bức xúc trong khu vực) đã nhờ ông Ngô Quang Anh, Trưởng Văn phòng Công chứng Mỹ Đình (ở gần khu đất), soạn thảo lá đơn “kêu cứu khẩn cấp” gửi tới UBND xã Mỹ Đình, UBND huyện Từ Liêm, Công an huyện Từ Liêm…đề nghị cưỡng chế ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất công. Đơn gửi đi không thấy phúc đáp, công trình trái phép vẫn không bị phá dỡ. Khỏang cuối tháng 4/2011, ông Ngô Quang Anh đã đến Văn phòng Luật sư PGVN tại 18B Nguyễn Biểu (Hà Nội) đề nghị tư vấn, chỉnh sửa lại nội dung lá đơn đã gửi đi trước đó để tiếp tục tố cáo sai phạm theo nghĩa vụ công dân.
Nhận thấy việc tư vấn, giúp đỡ công dân viết hoặc chỉnh sửa đơn thư không thuộc quy định cấm của pháp luật, ông Hoàng Đình Trọng, Trưởng Văp phòng Luật PGVN đã nhận lời và giao cho nhân viên Nguyễn Thành Đạt thực hiện. Nội dung đơn kêu cứu lần này được chỉnh sửa theo hướng “bỏ bớt những từ ngữ bức xúc, thiếu văn hóa” và gửi đi với 13 chữ ký (không có chữ ký của ông Hoàng Đình Trọng và Ngô Quang Anh) nhưng được Văn phòng Luật sư PGVN đóng dấu giáp lai vào các trang và đóng dấu treo mặt ngoài phong bì. Tuy nhiên, do nội dung đơn kêu cứu đã thẳng thắn tố cáo đích danh ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm đã “bảo kê” cho nhóm “xã hội đen” lấn chiếm đất công nên những người ký tên bị ông Trường cho là đã phạm tội “vu khống” theo quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự.
Oan hay không?
Lá đơn kêu cứu được gửi tới 8 cơ quan, gồm: UBND, Công an xã Mỹ Đình, HĐND, UBND, Công an huyện Từ Liêm, HĐND, UBND Tp Hà Nội và Thành ủy Hà Nội. Nhận được đơn, ngày 8/5/2011 (chỉ sau 1 ngày nhận được đơn), ông Lê Xuân Trường đã chỉ đạo ông Bạch Đăng Tân, Chánh Văn phòng huyện ủy Từ Liêm, soan thảo lá đơn “Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an huyện Từ Liêm- TP. Hà Nội. Ngay trong nội dung lá đơn này, ông Trường lấy lý do “vì điều kiện công tác” nên đã ủy quyền cho ông Tân “tham gia tố tụng” từ giai đoạn khới tố vụ án.
Nhận được đơn của ông Trường, ngay lập tức, CQCSĐT đã thụ lý vụ án, và ngày 12/5/2011 đã bắt tạm giam 6 người, trong đó có 3 bị cáo nêu trên. Cùng với lệnh bắt khẩn cấp đối với bị can Trọng, Anh, lệnh khám xét khẩn cấp Văn phòng Công chứng Mỹ Đình và Văn phòng luật sư PGVN cũng được ban hành và thực thi. Sau khi 6 người ký tên trong đơn kêu cứu, hoặc có hành vi liên quan bị bắt tạm giam, ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất công mới được phá dỡ. Tuy nhiên, chủ đầu tư của công trình trái phép đó là ai, hiện vẫn chưa được cơ quan chức năng xác minh, điều tra làm rõ!
Suốt 2 ngày diễn ra phiên tòa, HĐXX đã tạo điều kiện cho các luật sư, bị cáo, đại diện VKSND tranh tụng công khai, thẳng thắn tại tòa. Trong phần thẩm vấn và tranh luận, các luật sư đã nêu ra những căn cứ pháp luật cho rằng, các bị cáo Trọng, Anh, Phùng không có tội mà phải là người có công theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng vì đã bảo vệ được tài sản là đất đai cho Nhà nước. Nếu CQCSĐT- Công an huyện Từ Liêm cho rằng, hành vi viết đơn hộ, sửa đơn hộ cho công dân của bị cáo Trọng và Anh là vi phạm pháp luật thì được quy định ở điều luật nào trong bộ luật Hình sự? Vì sao CQCSĐT Công an huyện Từ Liên lại chấp nhận việc ủy quyền giữa ông Trường và ông Tân để thụ lý vụ án và lấy lời khai khi việc ủy quyền giữa 2 công dân này không qua công chứng? Và, còn rất nhiều câu hỏi vì sao khác vẫn chưa có lời giải đáp tại phiên tòa.
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, các luật sư cũng đã phát hiện ra nhiều sai phạm của CQCSĐT, như: tự ý soạn “thư xin lỗi” của bị can gửi ông Trường và ép họ ký trong thời gian đang tạm giam để đưa vào bút lục; để lọt tài liệu lấy lời khai vụ án ra ngoài; người tham gia hỏi cung bị can, khám xét Văn phòng công chứng Mỹ Đình không được Thủ trưởng CQCSĐT ký quyết định phân công theo luật định; kết luận điều tra cũng như cáo trạng vụ án không ghi số trang bút lục; có dấu hiệu làm lệch hồ sơ vụ án trong quá trình điều tra…
Qua 2 ngày làm việc căng thẳng, hơn 17giờ chiều ngày 17/11, chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Lại Vĩnh Trung công bố kết thúc phần tranh luận và thông báo: 15 giờ ngày 21/11/2011, HĐXX sẽ tuyên án. Việc bị cáo Trọng, Anh, Phùng vô tội hay không? Dư luận đang mong chờ một phán quyết thấu tình đạt lý từ HĐXX của vụ án này.
Trần Cường