Vụ bị can nguy kịch ở Đà Nẵng: Được cấp cứu tích cực, không có tổn thương do sang chấn
Cùng ngày, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân này từ khi nhập viện cho đến nay.
Bệnh nhân bị tiểu đường kèm viêm dạ dày ruột cấp
Đại tá Nguyễn Đức Dũng cung cấp thông tin liên quan đến các cơ quan báo chí vào chiều 5/7. |
Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Hiền có hành vi “Cố ý gây thương tích”, hiện bị tạm giam tại Trại tạm giam Hòa Sơn theo Quyết định 160/2019/HSST-QĐTG ngày 27-6-2019 của TAND Q. Liên Chiểu chờ ngày xét xử. Hiền có biểu hiện bệnh lý ác tính đối với bệnh nhân đái tháo đường; toan hóa máu nặng dẫn đến ngưng tuần hoàn. Bệnh nhân đã được cấp cứu tích cực tại Trại tạm giam Hòa Sơn, Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu rồi nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 4/7 trong trạng thái ngưng tim, ngưng tuần hoàn.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thành Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, lúc tiếp nhận bệnh nhân tại Phòng Cấp cứu đa khoa, bác sĩ trực ghi nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, thở nhanh sâu, môi khô, lưỡi bẩn, bụng mềm. Mạch: 78l/p, huyết áp: 110/70 mmHg, Nhịp thở: 30 l/p. Bệnh nhân Hiền được khám xét cẩn thận và tiến hành các biện pháp cấp cứu như truyền dịch, thở oxy hỗ trợ..., làm các xét nghiệm khẩn như công thức máu, glucose máu, khí máu động mạch, chức năng gan, chức năng thận... Kết quả xét nghiệm cho thấy Glucose máu tăng cao hơn 10 lần so với bình thường (70.76mmol/l), đường nước tiểu quá ngưỡng đào thải của thận, PH máu biến loạn âm, kết quả toan aceton dương tính. Bệnh nhân được nhận định ngay đây là một trường hợp đái tháo đường typ I (là thể thường gặp ở người trẻ), theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới là có nguy cơ tử vong rất cao.
Bệnh nhân còn có tình trạng viêm dạ dày ruột cấp với sốt cao, đi cầu lỏng nhiều lần nên ngay lập tức được xử trí với thuốc đặc hiệu là Insulin tĩnh mạch và duy trì qua bơm tiêm điện cùng các biện pháp hồi sức tích cực khác. Sau đó, tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng với việc ngưng tuần hoàn hô hấp hơn 60 phút thì có tim lại. Lập tức bệnh được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực chống độc để tiếp tục theo dõi, điều trị với chế độ đặc biệt. Qua kiểm tra bên ngoài, bác sĩ thấy không có sang chấn (không có ngoại lực tác động); kết quả X-Quang cũng cho thấy tim, phổi, bụng không có tổn thương; đầu không chảy máu.
Theo bác sĩ Trung, nhận định đây là một trường hợp bệnh lý đái đường typ I có mức đường huyết quá cao, rối loạn điện giải nặng, toan chuyển hóa, tổn thương nhiều cơ quan (gan, thận...) nên Khoa Hồi sức tích cực chống độc đã tiến hành hội chẩn và sử dụng ngay các biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, lọc máu, dùng kháng sinh mạnh, phổ rộng phối hợp, điều chỉnh tình trạng rối loạn toan kiềm, điện giải. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân Hiền được phát hiện ngừng tim lần thứ hai. Ngay lập tức, bệnh viện tiếp tục các biện pháp hồi sinh tim phổi để hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn như xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện... Sau khi được hồi sức tích cực, bệnh nhân tiếp tục có tim trở lại. Bệnh viện đã tiến hành họp Hội đồng chuyên môn do lãnh đạo bệnh viện chủ trì. Hội đồng cũng kết luận không thấy bất cứ tổn thương nào do sang chấn. Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chỉ đạo các khoa liên quan tập trung cao nhất về chuyên môn để cứu chữa người bệnh.
“Đến chiều 5/7, bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng rất nguy kịch và đang tiếp tục được hồi sức tích cực như thở máy hỗ trợ, lọc máu, điều chỉnh huyết áp theo thuốc vận mạch, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, điện giải”, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.
Theo thông tin do Bệnh viện Đà Nẵng và cơ quan Công an cung cấp, sau khi bị can Trần Văn Hiền được đưa đi cứu chữa, chăm sóc sức khỏe, khuya 4, rạng sáng 5/7, hàng chục người thân, bạn bè của Hiền đến Bệnh viện Đà Nẵng để thăm, đồng thời yêu cầu làm rõ tình hình sức khỏe. Lực lượng Công an Q. Hải Châu, bảo vệ bệnh viện cũng có mặt để đảm bảo điều kiện tốt nhất trong việc cấp cứu bệnh nhân.
Cơ quan Công an đảm bảo ANTT tại bệnh viện để bệnh nhân được điều trị trong điều kiện tốt nhất. |
Bệnh nhân Trần Văn Hiền đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Tập trung cứu chữa bệnh nhân, xử lý nghiêm các đối tượng gây rối
Thông tin thêm về vụ việc, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên – Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, ngay khi phát hiện phạm nhân Hiền có biểu hiện bệnh lý, Trại tạm giam đã sơ cứu, đưa xuống Bệnh viện Q.Liên Chiểu rồi nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng. Trong thời gian này, cơ quan Công an và Y tế cũng đã thông báo tình hình sức khỏe của bị can cho gia đình biết. Khi người nhà, bạn bè gây mất trật tự tại bệnh viện, lực lượng Công an phải làm nhiệm vụ bảo vệ theo quy định đồng thời vận động và giải thích là tình hình sức khỏe của bệnh nhân sẽ có kết luận của Hội đồng y khoa bệnh viện. Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng khẳng định, về chuyên môn, bệnh viện phải ghi nhận, đưa tất cả thông tin, bệnh lý, biểu hiện của bệnh nhân vào hồ sơ bệnh án. Về bệnh lý, chưa phát hiện tác động từ bên ngoài đối với bệnh nhân. Vết bầm trên ngực bệnh nhân là do sử dụng biện pháp ép tim khi cấp cứu, không có tác động từ bên ngoài như một vài người suy diễn.
“Cả cơ quan Công an cũng như bệnh viện rất hiểu tâm lý của gia đình, bạn bè là muốn biết rõ tình hình sức khỏe của người thân. Tuy nhiên, để đảm bảo có điều kiện cấp cứu, chữa bệnh tốt nhất thì bệnh viện phải thực hiện nghiêm quy định, quy trình, nghĩa là phải chờ kết quả cứu chữa, kết luận của y khoa. Nếu lợi dụng vụ việc để kích động, gây rối, có hành vi vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho hay.