Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh: Chưa thể khởi tố ê kíp trực bệnh viện
Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh: Chưa thể khởi tố ê kíp trực bệnh viện
Ông Triển nhấn mạnh chưa thể khởi tố hay truy cứu trách nhiệm hình sự ê kíp trực tại Bệnh viện Phụ sản TW.
Nghi án bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện C (Hà Nội)
Vụ cháu bé mất tích "đốt nóng" bệnh viện Phụ sản
Thưa ông, việc gia đình sản phụ Trần Thị Thơm đề nghị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự của 4 bác sỹ kíp trực tại bệnh viện phụ sản TW về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Luật sư Trần Đình Triển-Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân-Đoàn Luật sư Hà Nội |
Việc gia đình sản phụ Trần Thị Thơm đã gửi đơn tới Viện kiểm sát, Công an Hà Nội và Công an quận Hoàn Kiếm đề nghị khởi tố Bệnh viện Phụ sản TW vì đã để kẻ gian vào giường bệnh bắt cóc bé sơ sinh Phạm Xuân Trường 2 ngày tuổi – con của sản phụ Trần Thị Thơm, theo tôi là trách nhiệm của luật sư bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, tôi khẳng định một lần nữa, việc khởi tố hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ê kíp trực ở bệnh viện vào thời điểm này là chưa hoàn toàn chưa hợp lý.
Vì sao chưa hợp lý thưa ông?
Căn cứ theo điều 285 Bộ Luật Hình sự, việc kíp trực để mất cháu bé trong giờ làm việc là có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, việc quy trách nhiệm tội danh còn căn cứ vào yêu cầu khách quan và chủ quan.
Thiết nghĩ, tình trạng quá tải bệnh viện là khởi nguồn cho các tệ nạn xã hội. Theo đó, quy định của bệnh viện Phụ sản Trung ương là người nhà bệnh nhân được phép vào thăm bệnh nhân từ 10h30 hàng ngày và trước giờ này không một ai được phép vào khu vực điều trị bên trong bệnh viện, trừ bác sỹ, điều dưỡng ...
Tuy nhiên, thực tế vào giờ thăm thân nhân ở đây, mới thấy hết sức hỗn loạn, người ra người vào, bác sỹ y tá, điều dưỡng khó mà phân biệt được đâu là thật, đâu là bác sỹ giả trà trộn vào.
Vậy theo ông, nhóm ê kíp trực để mất cháu bé tại Bệnh viện phụ sản TW sẽ không bị khởi tố hay truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải quy kết vào tội danh gì?
Theo tôi, trong lúc chờ đợi cơ quan công an kết luận vụ việc, thì trước hết trách nhiệm thuộc về bệnh viện Phụ sản TW. Trước hết phải xử lý kỉ luật ê kíp trực và các bộ phận liên quan trong việc thiếu trách nhiệm để mất cháu bé…
Sản phụ Trần Thị Thơm tại bệnh viện-Ảnh internet |
Còn liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi để xảy ra vụ việc này trong chính bệnh viện thì khi nào có kết luận cuối cùng của công an, thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới quyết định xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan theo qui định của pháp luật.
Qua vụ việc này, theo ông cần cảnh báo gì có sơ hở trong quản lý hệ thống bệnh viện hiện nay?
Không riêng gì bệnh viện Phụ sản TW mà quy trình quản lý hầu hết của các bệnh viện nước ta hiện nay hết sức lỏng lẻo, hầu như không kiểm soát được. Do vậy, trước mắt theo theo tôi cần phải chấn chỉnh quy trình khám, chữa, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Đồng thời quản lý, cấp phát thẻ của cán bộ, nhân viên, những ai được ra vào trong bệnh viện, chú trọng công tác đảm bảo anh ninh trong bệnh viện...
Thưa ông, kẻ bắt cóc cháu Phạm Xuân Trường con sản phụ Trần Thị Thơm, nếu bị bắt, sẽ xử lý theo tội danh gì, thưa ông?
Tại Điều 120 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009) đã qui định rất rõ về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, cụ thể:
“1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vì động cơ đê hèn; d) Đối với nhiều trẻ em; đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; e) Để đưa ra nước ngoài; g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm; i) Tái phạm nguy hiểm; k) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi cháu bé bị mất tích, gia đình đã thông báo cho Bệnh viện và Công an quận Hoàn Kiếm Hà Nội, để xác minh làm rõ vụ việc. Cơ quan chức năng, xét thấy nếu có căn cứ của hành vi chiếm đoạt trẻ em thì sẽ phải khởi tố vụ án để điều tra theo qui định của pháp luật hiện hành.
Việc xác định tội phạm, người phạm tội, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội … sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án) thực hiện.
Hà Phương thực hiện