Vụ án hối lộ CSGT: Lời khai của người bị đánh đập, chích điện có đáng tin?
Bị cáo Nguyễn Văn Thới (người đeo kính) tại phiên tòa sáng nay. |
Sáng 3/10, TAND TP.HCM đã xét xử vụ án “Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ”. Ra tòa là 9 bị cáo trong đường dây mua bán “logo xe vua”, bị cáo còn lại nguyên là chiến sĩ CSGT tỉnh Đồng Nai.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Thới (một trong 9 bị cáo thuộc đường dây), luật sư Lâm Quang Quý cho rằng, đây là vụ án liên quan đến uy tín và danh dự của lực lượng CSGT, TTGT của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM, bởi trong đó có nhiều lời khai bất lợi liên quan đến các cán bộ, chiến sĩ thuộc những lực lượng này.
Tuy nhiên ông cho rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKSND Tối cao đã không tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Tố tụng hình sự, vì vậy “nhiệm vụ tìm ra toàn bộ sự thật khách quan khó có thể đạt được”.
Đề cập đến phần xét hỏi tại phiên tòa sáng 19/4/2018, theo luật sư Quý, bị cáo Thới cho biết sở dĩ có thể khai rõ và chi tiết về các lần đưa hối lộ dù sự việc xảy ra đã lâu là do tại cơ quan CSĐT bị cáo bị ba người đàn ông mặc thường phục đánh và chích điện vào hạ bộ đến ngất xỉu. Nếu không khai như vậy sẽ tiếp tục bị đánh. Do lo sợ mất mạng nên bị cáo đã khai đại.
Tương tự, bị cáo Lê Thị Cẩm Vân cũng khai, sở dĩ mình đồng ý với số tiền điều tra viên đưa ra là do bị một điều tra viên đe dọa nếu không khai sẽ bị treo cổ và chích điện như bị cáo Thới.
Luật sư cho rằng điều này có nghĩa là Vân đã được điều tra viên tiết lộ hành vi dùng nhục hình với Thới. Từ các lập luận ông nhận định rằng việc Thới bị dùng nhục hình là “hoàn toàn có thật”.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, trong ngày 19/4, HĐXX đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra rõ về lời khai bị nhục hình của các bị cáo. Sau khi điều tra bổ sung, cơ quan CSĐT kết luận những lời khai này “không có cơ sở”.
Tuy nhiên luật sư Quý cho biết, ông nhận thấy rằng những điều tra viên bị khai có hành vi nhục hình với Thới cũng chính là những điều tra viên được phân công điều tra lại. Điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc vô tư, khách quan của người có thẩm quyền tố tụng.
“Phải chăng các điều tra viên vừa đá bóng vừa thổi còi nên họ không thể nào lại đi làm một chuyện ngược đời là “tự bắt tội chính bản thân họ?”” – vị luật sư cho hay.
Từ đó luật sư Quý nhận định, các lời khai nhận tội khác của Thới về số lượng logo đã bán, số tiền hưởng lợi, số lần đưa tiền hối lộ cho CSGT, TTGT là chưa đáng tin cậy, bởi ngoài lời khai này không có chứng cứ nào khác phù hợp.
Cũng trong sáng nay, luật sư của các bị cáo Trần Quốc Thái, Mai Vân Thái Em, Huỳnh Tấn Thắng, Nguyễn Văn Phúc, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Minh Thiên, Nguyễn Mai Hữu Nhân đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì vai trò mờ nhạt, chỉ làm theo chỉ đạo và không hưởng lợi.
Ngay tại phần luận tội trước đó, đại diện VKS nhận định hành vi của các bị cáo không những xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước mà còn gây ảnh hưởng đến hệ thống giao thông đường bộ như cầu, đường xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn những rủi ro về tai nạn giao thông, gây bất bình trong dư luận trong một thời gian dài.
Vì vậy đại diện VKS nhấn mạnh rằng cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian tương xứng với hành vi. Từ đó đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Thới từ 6-7 năm tù, Thái từ 4-5 năm tù, Vân từ 4-5 năm tù, Em từ 3-4 năm tù, Thắng từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù, Trọng Nhân từ 3-4 năm tù, Thiên từ 3-4 năm tù, Phúc từ 2-3 năm tù, Hữu Nhân từ 2-3 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Riêng bị cáo Nguyễn Cảnh Chân bị đề nghị từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm 6 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ”.