Vụ 2 luật sư bị kẻ bịt mặt hành hung giữa đường: Đại biểu Quốc hội lên tiếng
Chiều 3/11, 2 luật sư đang nhận bào chữa vụ Đỗ Đăng Dư (nạn nhân bị đánh trong trại tạm giữ dẫn tới tử vong) đã đến nhà bà Đỗ Thị Mai (mẹ nạn nhân Đỗ Đăng Dư) tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để thực hiện các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho gia đình bà Mai.
Luật sư Luân (trái) luật sư Nam (phải) bị hành hung tại Chương Mỹ. |
Sau khi rời khỏi nhà bà Mai, 2 luật sư trên bị một nhóm bịt mặt bằng khẩu trang hành hung ngay tại địa bàn xã Đông Phương Yên. Luật sư Luân bị cướp mất điện thoại.
Trên trang facebook cá nhân, 2 luật sư đã công bố hình ảnh vụ hành hung khiến cả 2 luật sư bị bầm tím, sưng, chảy máu và phù nề nhiều vị trí trên mặt.
Sáng nay, bên lề kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Uỷ viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đã bày tỏ quan điểm xung quanh vụ việc này.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Tp. HCM) trao đổi với báo chí về vấn đề luật sư bị hành hung (Ảnh: Hồng Chuyên) |
Nói về vụ việc 2 luật sư bị hành hung khi gặp thân nhân nạn nhân Đỗ Đăng Dư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được báo cáo về vấn đề này. Trong cuộc họp ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sau khi có thông tin này đã nhất trí yêu cầu CA TP Hà Nội phải điều tra nhanh chóng và khách quan để sớm có kết quả xem những luật sư bị hành hung như thế thủ phạm là ai, có mục đích gì. Rõ ràng ở đây phải coi đó là một vụ án mang tính chất nghiêm trọng vì các luật sư hành nghề hoàn toàn hợp pháp, bình thường mà bị tấn công. Hiện nay, chưa biết động cơ, nguyên nhân là gì nhưng các luật sư đi làm việc liên quan đến một nghi can chết trong trại tạm giam. Gia đình nghi can bức xúc, yêu cầu các luật sư hỗ trợ về pháp lý
- Thưa ông, có thực tế thời gian qua có nhiều luật sư bị gây khó dễ, bị cản trở, xúc phạm, lăng mạ... đánh giá như thế nào về thực trạng này, có biện pháp gì bảo vệ cho luật sư?
- Góc độ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một trong những thành viên của Ban thường vụ Liên đoàn, đã có báo cáo tương đối đầy đủ và có đánh giá tương đối toàn diện về vấn đề này.
Nói chung Hiến pháp và Luật Luật sư đều có quy định bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của luật sư và quy định vị trí của luật sư trong xã hội rất xác đáng nhưng khi luật sư đi hành nghề thì có những tổ chức, cá nhân (tình trạng này không phải là ít ) coi thường luật, có những hành vi tấn công, hành hung luật sư. Có những trường hợp luật sư bị tạt axit cho đến nay điều tra chưa ra. Luật pháp quy định bảo đảm quyền hành nghề, tính mạng, tài sản của Luật sư trong quá trình hành nghề tương đối tốt nhưng việc thực thi tương đối kém. Thể hiện khi luật sư bị hành hung, tạt axit... thì sự phản ứng của cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan điều tra quá chậm chạm và không có hiệu quả. VD: Luật sư Hồng Lĩnh, vốn là điều tra viên, bị tạt axit cách đây khoảng 3 năm, bị thương nặng, hiện vẫn chưa điều tra ra
- Thưa ông, ông có đề nghị gì với cơ quan điều tra trong các vụ việc?
Đoàn Luật sư Hà Nội có văn bản gửi chính thức cho cơ quan CA Hà Nội. Tôi sẽ gặp Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, GĐ CATP Hà Nội, đề nghị phải nhanh chóng điều tra. Nhân đây báo động chung về tình trạng gây khó khăn, cản trở về đối xử với luật sư trong quá trình hành nghề đi ngược lại với quy định pháp luật. Khi có sự việc xảy ra, việc điều tra, xử lý xét xử rất chậm chạp, trì trệ. Đây là việc báo động vì luật sư là thành phần trong quá trình tố tụng hình sự, đóng vai trò quan trọng trong các tranh chấp dân sự, hành chính, lao động... tư vấn cho nhân dân, DN trong đời sống hàng ngày. Nếu tiếp tục sẽ gây tổn hại cho nền công lý Việt Nam.
- Uỷ ban bảo vệ quyền hành nghề luật sư có thống kê gì về luật sư bị đe doạ không, thưa ông?
Chúng tôi có tập hợp những trường hợp cụ thể mà các đoàn luật sư báo về để gửi thẳng cho Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an. Có trường hợp, cơ quan công an thừa nhận hành vi cản trở đã diễn ra.
Vậy với vụ việc Đỗ Đăng Dư, theo ông có nên để cơ quan khác điều tra không, thưa ông?
Tôi đã góp ý với Bộ Luật hình sự, tố tụng hình sự và phát biểu tại QH, tôi đề nghị nguyên tắc khi có vụ việc xảy ra và có thể có dấu hiệu sai trái, vi phạm luật pháp trong hoạt động tư pháp (oan sai trong hoạt động tố tụng có dấu hiệu bức cung, nhục hình) thì có một nguyên tắc, thứ nhất phải giao cho người không bị ảnh hưởng bởi người cũ điều tra lại và giao cho một cấp cao hơn thì việc xem xét, kết luận sẽ nhanh chóng hơn.
Xin cảm ơn ông!