VKS: Không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho 12 bị cáo trong đại án VNCB
Ngày 17/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xử phúc thẩm bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, tiền thân là Ngân hàng Đại Tín - TrustBank, nay là Ngân hàng Xây dựng - CB) và 17 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên toà tiếp tục với phần đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố tại toà nêu quan điểm luận tội các bị cáo.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét không buộc CB trả lại 4.500 tỷ đồng theo yêu cầu của bị cáo Phạm Công Danh. |
Theo đại diện VKS, 12 bị cáo xin hưởng án treo, giảm nhẹ hình phạt sau khi bản án sơ thẩm được tuyên là không có cơ sở. Do đó, VKS đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét kháng nghị không cho hưởng án treo đối với 4 bị cáo khác nguyên là giám đốc các công ty “ma” do ông Danh lập ra (những người này hưởng án treo ở giai đoạn 1 của vụ án).
Về dân sự, đại diện VKS cho rằng, số tiền 4.500 tỷ đồng dùng để tăng vốn VNCB có nguồn gốc bất hợp pháp, không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hạch toán là nợ phải trả. Đồng thời, đây không phải là vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi, không buộc CB phải trả lại cho bị cáo Phạm Công Danh.
Với khoản tiền 6.100 tỷ đồng thiệt hại của VNCB, theo đại diện VKS, bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải bồi hoàn số tiền này.
Đối với đề nghị thu hồi khoản tiền 194 tỷ đồng của ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và 1.176 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)…, VKS đề nghị HĐXX xem xét theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bản án sơ thẩm được giữ nguyên, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ khoản tiền 4.700 tỷ đồng mà BIDV cho ông Danh vay. Đồng thời, xem xét trách nhiệm các lãnh đạo khi phê duyệt chủ trương cho vay của BIDV.
Trong các phiên xử trước, ông Phạm Công Danh đề nghị HĐXX xem xét thu hồi các khoản tiền như: 400 tỷ đồng của ông Trần Quí Thanh có nguồn gốc từ tiền thuê mặt bằng của Công ty Trung Dung, 3.658 tỷ đồng bà Hứa Thị Phấn nhận để mua tài sản tại TrustBank, 30 tỷ đồng chuyển cho bà Phấn thông qua người khác… để khắc phục hậu quả cho CB.
Theo bản án sơ thẩm, trong giai đoạn 2013 – 2014, để giải quyết khó khăn về tài chính nhưng không thể tự mình vay tiền của VNCB, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai và thuộc cấp vay hơn 6.100 tỷ đồng của Sacombank, BIDV và TPBank. Tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại 3 ngân hàng này dùng để bảo lãnh cho 29 công ty “ma” do Danh lập hoặc mượn.
Cụ thể, bị cáo Phạm Công Danh đã vay tại Sacombank 1.800 tỷ đồng, tại BIDV 4.700 tỷ đồng và TPBank 1.666 tỷ đồng. Trong đó, thương vụ vay tiền của ông Danh tại Sacombank có sự tiếp tay của ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang.
Do 29 công ty của ông Danh không trả được nợ nên 3 ngân hàng nói trên đã thu hồi tiền tương ứng do VNCB gửi. Điều này đã làm cho VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Tại phiên toà sơ thẩm vào tháng 8/2018, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh 20 năm tù, ông Trầm Bê 4 năm tù, 44 bị cáo còn lại lãnh các mức án từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 10 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên thu hồi nhiều tỷ đồng có nguồn gốc là tang vật của vụ án, gồm hơn 1.600 tỷ đồng của BIDV, hơn 200 tỉ đồng của Sacombank, 3,1 tỷ đồng của TPBank, hơn 194 tỷ đồng của ông Trần Quí Thanh, 600 tỷ đồng của bà Hứa Thị Phấn….